SAC DEP HOA ANH DAO

Otaru- bảo tàng của những chiếc hộp âm nhạc

Du lịch Nhật Bản Cập nhật 19 tháng 04 851 lượt xem

Bảo tàng hộp âm nhạc Otaru hiện có hơn 3.000 hộp âm nhạc với đủ kích cỡ khác nhau, được trưng bày trong khắp không gian toà nhà cổ có niên đại từ năm 1912, với rất nhiều hiện vật độc bản, hình thành nên một bảo tàng hộp âm nhạc độc đáo ở thành phố cảng Otaru, Hokkaido. Điều thú vị khi đi ghé thăm bảo tàng hộp âm nhạc Otaru này đó là du khách có thể chọn mua hoặc tự tay thiết kế riêng cho mình một chiếc hộp âm nhạc tùy theo ý thích.

Lịch sử ra đời của hộp âm nhạc Otaru

Hộp âm nhạc ra đời gắn liền với thời kỳ Phục Hưng (thế kỷ 14 – 17) ở Tây Âu, cùng với sự phát triển tôn giáo đã hình thành nên các kiến trúc thánh đường nguy nga, với tháp chuông tạo nên các âm thanh trầm bổng liên hoàn như một bài nhạc, khái niệm nhạc chuông từ đó ra đời. Và tiếng nhạc chỉ cất lên mỗi khi báo giờ, khắc trong ngày, được xem là một công cụ giải trí phổ biến, thậm chí cho đến tận ngày nay, những điệu nhạc chuông ở các tháp đồng hồ nổi tiếng thế giới như ở thành phố di sản Bern, Thuỵ Sĩ, mỗi khi báo giờ là một cuộc trình diễn ngoạn mục thu hút đông đảo người xem.

Điệu nhạc chuông ở các công trình công cộng chỉ được nghe theo thời gian nhất định, những người yêu nhạc mới nảy sinh ý định đưa tiếng nhạc ấy vào không gian sống riêng tư, muốn nghe lúc nào cũng được, hộp âm nhạc Otaru từ đó ra đời (ước tính vào khoảng cuối thế kỷ 18), với kỹ thuật tạo âm thanh dựa trên nguyên lý như bộ nhạc chuông ở các nhà thờ từ thời Phục Hưng.

Những chiếc hộp nhạc đầu tiên ở thành phố cảng xưa

Những tòa nhà mang phong cách kiến trúc từ thời kỳ Victoria in bóng bên kênh đào Otaru

Từ 1995, người yêu điện ảnh Nhật Bản hẳn biết đến những góc phố bình yên của thành phố cảng Otaru khi được đạo diễn Shunji Iwai chọn làm bối cảnh trong phim Lá thư tình (Love Letter) nổi tiếng. Cảng Otaru được hình thành từ 1899 nhằm phục vụ việc giao thương giữa Nhật Bản với hai cường quốc Anh – Mỹ, phố xá bắt đầu đua chen với các nhà xưởng, công sở, toà nhà hành chính, ngân hàng, kênh đào Otaru… mang ảnh hưởng phương tây mà tiêu biểu là phong cách kiến trúc từ thời kỳ Victoria (1837 – 1901) của Anh Quốc và thời kỳ Phục Hưng (Renaissance) của Châu Âu. Các công trình kiến trúc ấy nay vẫn được bảo tồn và là một trong những nét hấp dẫn du khách đến với Otaru.

Sự du nhập hàng hoá, thông qua các thuyền buôn đến từ Châu Âu khi cập cảng Otaru mang theo một nghệ phẩm đặc biệt là các hộp nhỏ xinh, khi mở phát ra tiếng nhạc du dương dựa vào chuyển động cơ học gắn trong chiếc hộp, gọi là hộp âm nhạc và là sản phẩm được ưa chuộng tại Otaru thời bấy giờ. Ban đầu, hộp nhạc chỉ thể hiện được những bản nhạc đơn điệu, và từng ngày được cải tiến, phát triển để âm thanh trong, rõ, vang và kéo dài hơn, bản nhạc cũng mang nhiều âm vực khác biệt, không chỉ là âm thanh của từng nốt đơn, mà có thể hình thành một bản hoà tấu thú vị, phối trong đó cả tiếng trống, tiếng chũm choẹ…

Đến bảo tàng và tự lắp ráp chiếc hộp nhạc của riêng mình

Bảo tàng hộp âm nhạc ở Otaru mang đậm phong cách kiến trúc thời Phục Hưng

Bảo tàng hộp âm nhạc Otaru Nhật Bản chỉ cách bến xe buýt trung tâm chừng 7 phút đi bộ, toạ lạc ngay nút giao Maruhen. Nhìn từ xa, ngôi nhà gạch mang đậm phong cách kiến trúc thời Phục Hưng của bảo tàng đã là một điểm nhấn đẹp ở đoạn cuối phố đi bộ Sakaimachi. Ngay cổng vào bảo tàng là chiếc đồng hồ hơi nước hiếm hoi còn lại trên thế giới, hiện vẫn hoạt động và chơi các bản nhạc báo giờ sau mỗi 15 phút. Đây là chiếc đồng hồ đặc biệt, được xác định lớn thứ hai trên thế giới do các nghệ nhân đồng hồ từ Vancouver, Canada chế tác dành tặng Otaru.

Không gian tấng 1 và tầng 2 là nơi bày bán các loại hộp âm nhạc ở dạng quà lưu niệm

Bước qua khung cửa, với những lữ khách lần đầu đến Bảo tàng hộp âm nhạc Otaru nước Nhật, hẳn sẽ bất ngờ bởi không gian bảo tàng không hề giống bất kỳ một bảo tàng nào khác trên thế giới. Cảm nhận Bảo tàng này như một “đại siêu thị” bày đủ các loại hộp âm nhạc nơi người xem, người mua, người bán chen nhau trong tiếng nhạc vang lên khắp không gian. Thế nhưng khi bước tiếp lên không gian tầng 2, rồi tầng 3 của toà nhà cổ kính – nơi thưa thớt người mua bán, những trưng bày về các hộp âm nhạc đa dạng, đủ mọi kích cỡ, kiểu dáng, niên đại, với nhiều hiện vật độc bản sẽ là những khám phá thú vị khiến người xem mẩn mê đến quên cả thời gian.

Bộ sưu tập hộp âm nhạc ở tầng 3 đều là những sản phẩm giá trị cao, nhiều hiện vật độc bản

Qua tay nghề của người thợ thủ công, nhiều hình ảnh đời thường ở Otaru đều có thể đưa vào hộp âm nhạc, như miếng sushi – một đặc sản nổi tiếng trên con đường Sushi (Sushiya dori) ở Otaru, các chi tiết chế tác từ thuỷ tinh (nghề truyền thống của Otaru) cũng được biến tấu thành hộp âm nhạc. Điều thú vị là lữ khách không chỉ tìm cho mình được những chiếc hộp xinh xắn, mà còn có thể lựa chọn cả những bài hát yêu thích như “Top of the world” của Carpenters, hay những ca khúc bất hủ của các nghệ sĩ thế giới.

Lữ khách ở bất kỳ độ tuổi nào cũng đều có được những giây phút thư giãn, tìm hiểu và khám phá đầy bổ ích về hộp âm nhạc chỉ với một điểm đến là Bảo tàng hộp âm nhạc Otaru ở phố cảng Otaru. Và nếu có thời gian hơn một giờ, và có đặt lịch hẹn trước, lữ khách sẽ được tự tay thực hiện một chiếc hộp âm nhạc cho riêng mình theo sự chỉ dẫn của nhân viên bảo tàng tại xưởng chế tác Yume Kobo.

Nguồn: http://www.monnhatban.com/dulich/du-lich-o-hokkaido/bao-tang-hop-am-nhac-otaru

Yêu Cầu Thông Tin

Timeout ! Get new captcha