SAC DEP HOA ANH DAO

7 điều ít người biết về mì ramen

Ẩm thực Nhật Cập nhật 23 tháng 03 823 lượt xem

Ngày 12/3/2021

Món ăn đặc trưng của Nhật Bản có nhiều điều thú vị mà không phải thực khách nào cũng biết.

Mì ramen là một trong những đặc sản của xứ sở mặt trời mọc. Đây cũng được coi là nguyên mẫu cho mì hộp ăn liền mà chúng ta vẫn ăn ngày nay. Sau đây là những điều ít người biết về món mì nổi tiếng này.

Nguồn gốc gây tranh cãi

Nhiều giả thiết cho rằng mì ramen xuất hiện tại Nhật Bản từ thời kỳ Minh Trị (1868-1912). Tên gọi "ramen" là phiên âm từ "lamein" (mì kéo) trong tiếng Trung Quốc, nghĩa là mì. Nhiều người tin rằng đây là bằng chứng cho thấy món ăn này có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong khi nhiều ý kiến cho rằng Nhật Bản mới là nơi khai sinh ra nó vào thế kỷ 20.

Công thức giúp sợi mì săn chắc

Những sợi mì ramen chứa "kansui" - một loại nước khoáng tính kiềm chứa natri cacbonat, kali cacbonat và axit photphoric. Những thành phần này khiến sợ mì ngả vàng, chắc và dai, đồng thời ngăn chúng hút quá nhiều nước.

Sợi mì ramen săn chắc, không dễ nhão. Ảnh: Shuttetstock

Sợi mì ramen săn chắc, không dễ bị trương lên. Ảnh: Shuttetstock

Nổi tiếng từ Thế chiến thứ 2

Ramen không thực sự phổ biến trên khắp xứ sở mặt trời mọc cho đến sau Thế chiến thứ 2. Khi đó, thị trường Nhật Bản ngập tràn bột mì giá rẻ từ Mỹ, khiến người dân có thể mua chúng dễ dàng hơn. Quân đội Nhật Bản hình thành sở thích ăn mì ở Trung Quốc, sau đó những nhà hàng mì Trung Quốc dần mọc lên tại xứ sở hoa anh đào. Người Nhật tự tạo ra một "phong trào" mì ramen và biến nó thành món ăn đặc trưng.

Đa dạng cách chế biến khác nhau

Ramen ở mỗi vùng tại Nhật Bản có phương thức chế biến riêng. Tại vùng Sapporo, ăn mì ramen đúng kiểu gồm tương miso, thịt heo quay, măng và hành lá. Ramen vùng Tokyo gồm nước dùng shoyu vị hải sản đậm đà, thịt heo quay, thịt băm, bánh cá khoai tây và rau chân vịt. Ramen kiểu Kyoto có nước hầm gà, thịt heo quay, măng, hành lá và rong biển khô.

Mỗi vùng tại Nhật Bản có cách chế biến mì ramen khác nhau. Ảnh: iStock

Mỗi vùng tại Nhật Bản có cách chế biến mì ramen khác nhau. Ảnh: iStock

Trung Quốc tiêu thụ mì ramen nhiều nhất

Quốc gia tiêu thụ mì ramen nhiều nhất không phải Nhật Bản, mà là Trung Quốc. Theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA), hàng năm có khoảng 40 tỷ gói mì ramen ăn liền được tiêu thụ tại đất nước tỷ dân.

Phát minh vĩ đại của người Nhật

Theo Spoon University, mì ramen ăn liền được mệnh danh là phát minh vĩ đại nhất của người Nhật vào thế kỷ 20, đứng sau là karaoke. Nó được Momofuku Ando phát minh vào năm 1958. Người dân Nhật Bản thích thú khi có thể nấu một bát mì ramen có hương vị ngon bằng một nửa mì tươi, mà chỉ cần thêm nước sôi. Khi mì ramen ăn liền bắt đầu được bán tại Nhật Bản, giá thành của chúng cao hơn mì tươi gấp 6 lần.

Bảo tàng mì hộp

Ở Osaka, du khách có thể đến thăm bảo tàng mì ăn liền. Bảo tàng trưng bày lịch sử của mì ăn liền và các biến tấu của chúng, cũng như diễn giải quá trình nó trở thành một trong những thực phẩm phổ biến nhất trên thế giới.

Du khách có thể vào trong và sáng tạo ra món mì của riêng mình. Ảnh: Osaka

Du khách có thể vào trong và sáng tạo ra món mì của riêng mình. Ảnh: Osaka

Nguồn: Trung Nghĩa (Tổng hợp). Theo vnexpress.net