SAC DEP HOA ANH DAO

Xưởng thủy tinh chế tác các vật dụng hoàng gia Kagami

Tin tức tổng hợp Cập nhật 25 tháng 09 619 lượt xem

Nghề làm pha lê dù ra đời muộn hơn các nghề thủ công khác ở Nhật Bản như gốm sứ, lụa, giấy… nhưng cũng đạt được đỉnh cao của mỹ thuật tạo hình. Cùng DIVA Gốm Sứ đến thăm xưởng pha lê lâu đời nhất Nhật Bản, nơi chuyên sản xuất các vật dụng Hoàng gia và còn được chọn để làm quà tặng các nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Năm 1934, Kozo Kagami – một nghệ nhân thụ hưởng kỹ năng chế tác pha lê trong thời gian lưu học tại Đức Ra thành lập công ty Kagami tại Ryugasaki tỉnh Ibaraki. Lúc bấy giờ, những kỹ thuật tạo hình, cắt gọt, mài giũa, đánh bóng đã dần định hình. Sản phẩm do Kozo Kagami là sự kết hợp giữa ứng dụng kỹ thuật phương Tây cùng đường nét, chi tiết mang đậm tính Á Đông có từ thời kỳ Edo (1603 – 1868) gọi là Edo Kiriko, từ đó tạo thành các tác phẩm nghệ thuật hơn là sản phẩm thủ công đơn thuần.

xưởng thủy tinh kagami

Sau 9 năm thành lập, các tác phẩm pha lê của Kozo Kagami đã được triển lãm ở Chicago, Paris, New York, Brussels… và từ đó thế giới đã biết đến tài điêu khắc tuyệt mỹ của ông. Vào năm 1943, Hoàng gia Nhật Bản đã sử dụng pha lê Kagami trong lễ cưới của công chúa Shigeko Higashikuni và hoàng tử Morihiro Higashikuni. Và đến tận ngày nay, Hoàng gia Nhật, các vị Đại sứ và Lãnh sự Nhật Bản ở hơn 250 quốc gia trên thế giới vẫn sử dụng đồ pha lê Kagami.

xưởng thủy tinh kagami

Vào tháng 04/2014, khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến thăm Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tặng cho ông một món quà đặc biệt là chiếc bình rượu Sake cùng 2 chén uống rượu màu xanh và hồng do xưởng Kagami chế tác. Ở công đoạn làm phôi, để tạo sự tan chảy, các hợp chất được nung trong lò với nhiệt độ lên đến 1.300 độ C. Sau đó, các nghệ nhân sử dụng một ống thổi dài để tạo hình bằng kỹ thuật thủ công.

xưởng thủy tinh kagami

Sau khi định hình, phôi được đưa qua công đoạn lên chi tiết và đường nét để chuyển tiếp đến khâu mài, tạo hoa văn. Công đoạn này đòi hỏi phải hết sức tỉ mỉ và phức tạp. Giám đốc Hidetoshi Mochizuki của công ty Kagami tiết lộ: “Chúng tôi có tổng cộng hơn 1.000 mẫu thiết kế. Tất cả chi tiết trên bề mặt pha lê được thợ thủ công và nghệ nhân của Kagami sử dụng kỹ thuật cắt mài Edo Kiriko từ thời kỳ Edo, còn hoa văn họa tiết sẽ lấy từ thiên nhiên, hoặc các đường văn kỷ hà đậm nét hiện đại”.

xưởng thủy tinh kagami

Sau khi được mài giũa, đánh bóng, sản phẩm sẽ được kiểm tra khắt khe, dù chỉ có một vết tì mảnh như sợi tóc thì sản phẩm sẽ bị huỷ bỏ. Những tác phẩm Kagami cũng lấy cảm hứng về thiên nhiên hoa lá. Đây không phải là chuyện lạ, nhưng có thể truyền cảm giác tự nhiên, thanh thoát, tuỳ thuộc rất lớn vào tay nghề của nghệ nhân, và Kagami tự hào khi được sáng tạo bằng những nghệ nhân tài hoa hàng đầu Nhật Bản. Mỗi tác phẩm đều toát lên sự tỉ mỉ, công phu, cẩn trọng và hoàn mỹ.

xưởng thủy tinh kagami

Xưởng chế tác Kagami có 2 nghệ nhân chạm khắc pha lê hàng đầu Nhật Bản hiện nay là Matsuo Matsuura (70 tuổi) và Hideki Hasegawa (50 tuổi), đây cũng là nơi chế tác nên các vật dụng cho Hoàng gia Nhật Bản.Với hơn 50 năm kinh nghiệm, nghệ nhân Matsuo Matsuura được ví là “báu vật quốc gia” trong ngành công nghiệp pha lê Nhật Bản. Các tác phẩm do ông chế tác hầu hết được sử dụng trong Hoàng cung, phủ Thủ tướng…Xưởng pha lê Kagami cũng đồng thời là viện bảo tàng trưng bày các tác phẩm giá trị, đại diện tiêu biểu của ngành pha lê Nhật Bản. Nơi đây, cũng có một phòng trưng bày nhiều mẫu sản phẩm đa dạng, và nếu muốn sở hữu một sản phẩm pha lê Kagami, cần có đam mê và khá nhiều tiền.

xưởng thủy tinh kagami

Hình ảnh nghệ nhân Matsuo Matsuura.

Matsuo Matsuura

Hình ảnh nghệ nhân Hideki Hasegawa.

Nguồn: monnhatban.com