SAC DEP HOA ANH DAO

VÌ SAO NGƯỜI NHẬT NỔI TIẾNG LÀ TAO NHÃ LẠI CÓ KIỂU ĂN MÌ 'XÌ XỤP', 'SỘT SOẠT'?

Văn hóa Nhật Cập nhật 24 tháng 11 1169 lượt xem

Có thể đối với nhiều quốc gia trên thế giới, việc phát ra âm thanh khi ăn là điều khiếm nhã. Nhưng vì sao người Nhật nổi tiếng là tao nhã lại có kiểu ăn mì “xì xụp”, “sột soạt” kiểu này?

zaru-soba-1.jpg

Người Nhật khi ăn mì thường phát ra âm thanh “soạt” nhưng có một loại mì “nhất định” khi ăn phải phát ra âm thanh đó là mì soba. Soba loại mì có màu nâu sẫm, được làm bằng kiều mạch và bột mì. Sợi mì soba rất dài và dai. Có 2 loại soba là soba lạnh và soba nóng.

Mì soba lạnh thường được phục vụ trên một khay tre giống một cái sàng được gọi là zaru soba hay mori soba, đôi khi được rắc thêm một ít sợi rong biển nori sấy khô, với một loại nước chấm được gọi là soba tsuyu bên cạnh. Sốt tsuyu được làm từ một hỗn hợp đặc của dashi, nước tương ngọt (thường được gọi là "satōjōyu") và mirin. Sử dụng đũa, thực khách gắp một lượng nhỏ mì soba từ khay và chấm vào sốt tsuyu lạnh trước khi ăn nó. Wasabi và hành xanh thường được trộn cùng tsuyu. Nhiều người nghĩ rằng cách tốt nhất để thưởng thức kết cấu độc đáo của mì soba làm bằng tay là ăn nó lạnh, khi mà việc để chúng nhúng trong nước dùng nóng sẽ làm thay đổi độ đặc của chúng. Sau khi ăn mì xong, nhiều người thích uống loại nước đã dùng để luộc mì (蕎麦湯 sobayu), trộn với phần tsuyu còn lại.

Zaru-Soba-2.jpg

Mì soba cũng thường được phục vụ như một món mì nước trong một cái tô có nước dùng tsuyu nóng. Nước dùng tsuyu nóng trong các món này thường nhạt hơn là nước dùng dạng nước chấm cho mì soba lạnh. Những đồ ăn kèm trang trí phổ biến là hành tây dài thái lát và shichimi togarashi (hỗn hợp ớt bột).

Mì soba lạnh thường được đặt trên một vỉ tre hình vuông, sợi được cuộn lại thành từng khoanh đủ ăn cho một lần.  Khi thưởng thức, mỗi người được chia một chén nhỏ. Trong chén đựng nướt sốt. Khi ăn, thực khách chỉ việc nhúng mì vào chén nước sốt và hút “sột” để cuộn mì vào miệng hết một lần.

zaru-soba.jpg

Có thể đối với nhiều quốc gia trên thế giới, việc phát ra âm thanh khi ăn là điều khiếm nhã. Nhưng vì sao, người Nhật nổi tiếng là tao nhã lại có kiểu ăn mì “xì xụp”, “sột soạt” kiểu này? Người ta cho rằng, ăn mì như thế mới là đúng cách. Khi ăn mì soba mà không tạo ra âm thanh, không hút hết mì vào miệng một lần thì mới là… khiếm nhã. Hơn nữa, cách ăn này khiến thực khách cảm nhận hết hương vị thơm ngon đặc trưng của mì soba. Theo cách ăn của người Nhật thì khi ăn mì các loại phải hút mới thấy được cái ngon và sành điệu của cách ăn mì!

Một lý do khác là: ngày xưa mì và các loại thức ăn có sợi thường là cao cấp và chỉ được thưởng thức khi có những dịp lễ lộc, đặc biệt với khí hậu khắc nghiệt như Nhật thì cơ hội được ăn các loại mì của người dân lại càng hiếm, vì thế khi ăn các loại có sợi người ta thưởng thức đến mức cao nhất có thể, cho các giác quan đều cảm nhận được. Mắt thì được xem, miệng được ăn, mũi được ngửi nhưng tai phải cho nghe thì các giác quan mới cộng hưởng hết. Vì lý do này khi ăn mì người ta phải húp cho thành tiếng để cho tai nghe. Một thuyết khác đó là “cắn mì” tiếng Nhật đọc là 断面 “danmen” gần âm với 断命 “danmei” đoản mệnh nên người Nhật ít khi “cắn mì” mà thường hút hết vào miệng.

Nguồn: An Đông/ aomorijp.com