SAC DEP HOA ANH DAO

Vì sao người Nhật đặc biệt kỳ thị người xăm mình?

Văn hóa Nhật Cập nhật 15 tháng 11 897 lượt xem

Trước thềm World Cup Rugby 2019 tại Nhật Bản, những cầu thủ và người hâm mộ được ban tổ chức khuyến cáo nên che kín hình xăm suốt giải.

Rất nhiều khách du lịch xăm mình từng vấp phải những cú sốc văn hoá khi đến xứ sở hoa anh đào - nơi hình xăm đặc biệt bị kỳ thị. Thậm chí họ còn không thể trải nghiệm những điều nổi tiếng nhất với khách du lịch tại Nhật Bản: người có hình xăm bị cấm vào phần lớn onsen (suối nước nóng), sento (phòng tắm công cộng), ryokan (những nhà trọ truyền thống), bể bơi, phòng gym hay thậm chí cả khách sạn con nhộng.

Một suối nước nóng không chào đón khách xăm mình. Ảnh: Hajime Nakano/Flickr

Một suối nước nóng không chào đón khách xăm mình. Ảnh: Hajime Nakano/Flickr

Năm 2013, Erana Te Haeata Brewerton, một người Maori, đến Hokkaido dự hội nghị tiếng bản địa, không được phép vào suối nước nóng vì hình xăm truyền thống ta moko trên mặt. Sự cố này dấy lên một cuộc tranh cãi tại Nhật Bản, khiến một vị thành viên cấp cao của Nội các phải lên tiếng rằng Nhật Bản cần chào đón và tôn trọng văn hoá quốc tế hơn - đặc biệt trong những sự kiện tầm cỡ như World Cup Rugby hay Olympics.

Định kiến hiện nay của người Nhật tồn tại chủ yếu do mối liên hệ giữa hình xăm với những tổ chức tội phạm, hoặc Yakuza. Xứ sở mặt trời mọc có hai văn hoá xăm mình - theo phong cách phương Tây và Yakuza. Những quy tắc ngầm chủ yếu được đặt ra để những băng nhóm phân định địa bàn hoạt động.

Theo truyền thống, những người có hình xăm như người đàn ông này sẽ không thể vào spa, bể bơi hay onsen tại Nhật Bản. Ảnh: Tokyo Times

Theo truyền thống, những người có hình xăm như người đàn ông này

sẽ không thể vào spa, bể bơi hay onsen tại Nhật Bản. Ảnh: Tokyo Times

Thực tế, thái độ kỳ thị hình xăm của người Nhật có từ thời Edo (1603 - 1912), khi phạm nhân bị phạt bằng hình xăm. Cùng thời kỳ này, những cô gái bán hoa - còn được biết đến là "Yuujyo" - cũng xăm mình để tỏ lòng tận tâm phục vụ với những khách hàng thân thiết.

Hình xăm dần trở thành thứ trái pháp luật vào thời Meiji (1868-1912) và chỉ được hợp pháp hoá vào năm 1948 - khi Nhật Bản bị chiếm đóng. Tuy nhiên, luật này không áp dụng với người nước ngoài.

Dù định kiến vẫn còn đến ngày nay, những cơ sở kinh doanh dịch vụ đang bắt đầu cởi mở hơn với những vị khách có hìnnh xăm. Phần lớn thái độ này chỉ áp dụng với khách nước ngoài, còn người Nhật xăm mình vẫn bị cấm cửa tại không ít nơi.

Eli Orzessek, nhà báo du lịch New Zealand, từng cam chịu khi không thể vào tắm onsen tại Nhật Bản khi trên người có vài hình xăm lớn, trong đó có cả hình một con mèo đen nổi bật trên cẳng tay. Nhờ khảo sát trên mạng, Eli tìm thấy một khách sạn con nhộng đón khách xăm mình mang tên Anshin Oyada Luxury Capsule Hotel tại Ogikubo, Tokyo. Anh thở phào khi thấy tấm biển bên ngoài khách sạn ghi dòng chữ "vài vị khách của chúng tôi có hình xăm, xin hãy tôn trọng những vị khách quốc tế của chúng tôi". Thậm chí anh còn có thể thoải mái ngâm mình trong phòng onsen nhân tạo của khách sạn vào đêm nghỉ tại đây, để lộ toàn bộ hình xăm trên cơ thể mà không gặp ánh mắt săm soi nào.

Nếu đến những phòng onsen cấm người xăm mình, bạn hoàn toàn có thể che chắn những hình xăm nhỏ bằng miếng dán chống nước màu da hoặc hỏi nhân viên xem cơ sở có cung cấp urgo hoặc thứ gì đó tương tự hay không. Điều này dĩ nhiên khó áp dụng với người xăm kín tay hay lưng.

Với lượng khách phương Tây ngày càng đông, Tổng cục Du lịch Nhật Bản đã nỗ lực giải quyết vấn đề này từ năm 2015, khảo sát khoảng 3.800 cơ sở ryokan về thái độ với khách xăm hình. Kết quả cho thấy 56% chủ ryokan sẽ từ chối tiếp khách có hình xăm, trong khi 31% vẫn đón khách bình thường, và 13% sẽ cho phép khách xăm mình vào nếu họ che chắn kín. Từ đó, một website có tên Tattoo Friendly ra đời để hỗ trợ những vị khách nước ngoài tìm kiếm các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch chào đón người có hình xăm trên khắp Nhật Bản.

Bảo Ngọc (Theo New Zealand Herald)