Văn hóa truyền thống được ví như linh hồn của mỗi quốc gia, vì nó là gương mặt đại diện cũng như nét đặc trưng của mỗi dân tộc trên thế giới. Cùng đọc bài viết nét văn hóa người Nhật Bản truyền thống đặc trưng dưới đây để hiểu hơn về văn hóa Nhật Bản đặc sắc nhé.
Đất nước Nhật Bản cũng vậy, văn hóa Nhật Bản đã trải qua hàng nghìn năm hình thành và phát triển, từ một đất nước nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu khắc nghiệt trở thành một cường quốc tiên tiến đứng thứ 2 trên thế giới. Tuy lớn mạnh theo thời gian, nhưng đến nay họ vẫn luôn giữ được nét văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc mình.
I.Văn Hóa Người Nhật Bản Trong Giao Tiếp Ứng Xử
1.Văn Hóa Chào Hỏi
Một nét đặc trưng trong giao tiếp của người Nhật được cả thế giới ca ngợi chính là văn hóa cúi chào. Tất cả lời chào của người Nhật bao giờ cũng đi kèm với động tác cúi chào sau cùng. Dựa theo mối quan hệ, địa vị xã hội và tuổi tác với người giao tiếp mà người Nhật sử sụng các quy tắc chào hỏi và văn hóa lễ nghi khác nhau. Với những người lớn tuổi hoặc cấp trên, họ sẽ thể hiện sự tôn trọng bằng cách khép hai chân chặt vào nhau, cúi gập người 90°, hai tay nắm chặt và ép sát vào thân người, còn với bạn bè cùng trang lứa, người Nhật sẽ cúi chào 30°.
2.Văn Hóa Giao Tiếp
Trong văn hóa giao tiếp, người Nhật thường tránh nhìn thẳng vào người đối diện. Họ thường nhìn vào một vật trung gian khác như lọ hoa, tranh ảnh, giá sách… hoặc cúi đầu xuống nhìn sang bên. Theo quan niệm của người Nhật, việc nhìn thẳng vào mắt người đối diện khi đang nói chuyện được coi là thiếu lịch sự, coi thường và cư xử không đúng mực.
Người Nhật Bản rất rụt rè, nhút nhát vì thế khi giao tiếp với người Nhật bạn nên giữ một khoảng cách nhất định. Người Nhật không có thói quen bắt tay, tuy nhiên việc bắt tay trong giao tiếp không bị coi là hành động thất lễ. Đặc biệt, bạn nên lưu ý không được ôm. Đối với các nước khác trên thế giới, ôm là cách thể hiện sự quý mến, thân thiện với người đối diện, nhưng với người Nhật nhìn thẳng cũng bị xem là bất lịch sự, vì thế đụng chạm cơ thể hoặc ôm ấp là điều cấm kỵ.
II.Nét Văn Hóa Nhật Bản Truyền Thống
Theo kinh nghiệm đi tour du lịch Nhật Bản cho thấy, văn hóa người Nhật Bản được kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hóa phương Tây hiện đại và văn hóa phương Đông truyền thống đã tạo nên nét đặc trưng riêng biệt trong văn hóa của con người Nhật Bản.
1.Trang Phục Truyền Thống – Kimono
Ở Nhật Bản, trang phục truyền thống là Kimono, trong tiếng Nhật có nghĩa là “đồ để mặc”, hòa phục hay còn gọi là y phục Nhật. Kimono được người Nhật sử dụng từ vài trăm năm trước và ngày nay do khả năng hội nhập quốc tế và tính chất công việc nên trang phục truyền thống – kimono không còn được sử dụng hàng ngày như trước mà chỉ được sử dụng vào các dịp lễ tểt, đám cưới, lễ hội hoặc các bữa tiệc… Phụ nữ ở Nhật Bản mặc kimono phổ biến hơn nam giới. Kimono dành cho nữ giới có màu sắc nhã nhặn và hoa văn nổi bật, còn kimono dành cho nam giới thường tối màu và không có hoa văn.
Đặc biệt, kimono dành cho phụ nữ chỉ có một size duy nhất, người mặc chỉ cần bó y phục lại sao cho phù hợp với thân hình của mình. Quốc phục Nhật Bản – Kimono có hai loại: tay rộng và tay ngắn. Phụ nữ lấy chồng thường chuộng lại tay ngắn, vì nó sẽ không cản trở hay vướng víu khi họ làm việc. Trước khi mặc kimono thì phải mặc Juban trước, vì đây là áo kimono lót để bảo vệ Kimono khỏi bị bẩn, sau đó cuốn bên phải vào trước, bên trái vào sau, sau đó được thắt lại bằng Obi lụa đắt tiền. Nếu quấn bên trái trước, bên phải sau thì có nghĩa đi dự tăng lễ hoặc viếng thăm người đã mất. Ngoài ra, mặc kimono phải đi kèm với guốc gỗ, mang tất Tabi màu trắng và cầm một chiếc túi nhỏ xinh của người Nhật.
Bên cạnh Kimono, người Nhật còn mặc Yukata được làm bằng vải cotton, nhẹ hơn, mát hơn, không cầu kì và dành riêng cho mùa hè. Nhưng Yukata không được phép mặc ra những chỗ trịnh trọng đông người, vì nó giống như quần áo ngủ. Nếu có cơ hội đi tour du lịch Nhật Bản khởi hành từ Hà Nội bạn nên thuê một bộ trang phục Kimono và ghi lại những kỷ niệm đẹp và đáng nhớ tại đất nước Phù Tang xinh đẹp này.
2.Nghệ Thuật Truyền Thống – Geisha
Nói đến du lịch Nhật Bản, chắc hẳn ai cũng biết đến loại hình văn hoá nghệ thuật truyền thống của đất nước Phù Tang xinh đẹp – đó chính là Geisha. Geisha là những nữ nghệ sĩ vừa có tài năng ca múa, vừa có tài kể chuyện, và được huấn luyện từ nhỏ. Ngày nay, Geisha vẫn còn hoạt động nhưng số lượng đã giảm sút do sự quan tâm của người dân đến loại hình nghệ thuật truyền thống đã suy giảm trần trọng. Tuy nhiên, khi du lịch Gion Kyoto, du khách sẽ rất dễ dàng bắt gặp một Geisha Nhật Bản truyền thống. Đối với Geisha, họ rất coi trọng vẻ bề ngoài và khi đi làm, họ giữ nguyên văn hóa Geisha độc đáo, từ trang phục nhẹ nhàng đến cách trang điểm nổi bật cũng như dáng đi đứng chuyện trò đầy khuôn phép.
3.Tinh Thần Võ Đạo – Samurai
Nhắc tới tinh thần võ sĩ đạo, người ta sẽ nghĩ ngay đến những chiến binh Samurai dũng mãnh, can đảm và không bao giờ lùi bước. Đây giống như một lý tưởng sống về những con người mạnh mẽ, sống đầy nghị lực và ý chí kiên cường, quyết tâm hướng đến mục tiêu. Để trở thành một võ sĩ đạo chân chính, phải tuân theo 7 quy tắc đạo đức phản ánh tinh thần võ sĩ đạo như: Ngay thẳng, dũng cảm, nhân từ, lễ phép, tự kiểm soát bản thân, danh dự và lòng trung thành. Ngày nay, Samurai không còn nữa nhưng tinh thần võ sĩ đạo ấy vẫn còn tồn tại trong mỗi người Nhật như một quy tắc sinh sống.
4.Nhạc Cụ Truyền Thống
Nhạc cụ của đất nước Nhật Bản có thể sắp xếp thành 3 loại chính: nhạc gỗ, sáo và đàn dây. Trong đó, sáo Nhật Bản đã có lịch sử hơn 1.000 năm và đàn một dây chỉ mới có mặt ở Nhật Bản vào thế kỷ XVIII, nhưng tất cả đã cùng nhau tạo nên màu sắc riêng cho âm nhạc Nhật Bản, phát triển song song với nghệ thuật biểu diễn truyền thống của người Nhật.
III.Văn Hóa Ăn Uống Của Người Nhật Bản
1.Nguyên Tắc Trên Bàn Ăn Của Người Nhật
Trước khi ăn, bạn nên ngồi theo sự sắp xếp của chủ nhà và phải đợi đông đủ mọi người mới được ngồi vào bàn ăn, trong đó người lớn tuổi uống hoặc ăn trước. Đặc biệt, bạn không được uống trước hoặc uống một mình, mọi người sẽ phải cùng nói “cạn chén” hoặc “xin cảm ơn tất cả mọi người” trước khi thưởng thức. Ngoài ra, trước khi ăn, người Nhật thường nói “itadakimasu” trước bữa ăn để cảm ơn thực vật, động vật đã đánh đổi mạng sống của mình để cho họ bữa ăn ngon.
Người Nhật rất coi trọng màu sắc, hương vị và hình thức bày trí… vì vậy, trên bàn ăn của người Nhật thường được bày biện rất cầu kỳ, không chỉ khắt khe qua cách bài trí mà còn ở nhiều nguyên tắc khác nhau. Cũng giống như người Việt Nam, người Nhật vẫn giữ thói quen ăn cơm bằng đũa, cho nên khi ăn cơm ở Nhật, đũa nên để ngang chứ không nên để dọc. Vì theo quan niệm của người Nhật, đũa để thẳng vào người khác là không tốt. Khi dùng bữa, họ kiêng ngoáy đũa hoặc bới thức ăn. Đặc biệt, không cắm đũa vào bát cơm, không được để đồ ăn thừa, việc để đồ ăn thừa trên bàn hoặc rơi vãi là một hành vi bất lịch sự.
Sau bữa ăn, bạn nên sắp xếp lại bát đũa theo trật tự ban đầu và nói câu “gochisosamadeshita” nghĩa là “cảm ơn vì bữa ăn” để thể hiện sự trân trọng không chỉ với đầu bếp mà còn với nguyên liệu chế biến món ăn. Theo Kinh nghiệm đi tour du lịch Nhật Bản, tăm xỉa răng tại Nhật Bản sẽ không được để trên bàn ăn giống như người Việt Nam mình, lý do vì ở Nhật, phụ nữ rất ngại xỉa răng trước mặt người khác, họ sẽ lặng lẽ vào nhà vệ sinh mới rồi tự làm sạch răng của mình.
2.Văn Hóa Ẩm Thực Nhật Bản
Từ xưa đến nay, người Nhật rất thích ăn cá, đây được xem là món ăn ngon Nhật Bản không thể bỏ qua trong mỗi bữa ăn gia đình. Đi tour du lịch Nhật Bản, bạn nhất định phải thưởng thức món cá tươi sống thái mỏng Sashimi ăn kèm với xì dầu và cây cải nhựa đã nghiền nhỏ (Wasabi) hoặc món Sushi, món Tempura… được chế biến từ nhiều loại hải sản như tôm, cua, mực ốc… Những món ăn này đã làm nên thương hiệu không thể thiếu của ẩm thực Nhật Bản.
Bên cạnh các món ăn chế biến từ hải sản,xứ sở hoa anh đào còn nổi tiếng hấp dẫn du khách với nhiều món ăn Nhật Bản nổi tiếng hấp dẫn từ thịt bò như Yakiniku (thịt nướng), Sabusabu (thịt bò nhúng)…
Đối với người Nhật Bản, rượu Sake là quốc tửu, là biểu tượng đặc trưng của đất nước. Sake không chỉ là thức uống hàng ngày trong mỗi bữa ăn mà còn mang đậm ý nghĩa văn hóa, tôn giáo, đặc biệt là cầu nối giữa con người với con người, giữa con người với thần linh. Rượu Sake được nấu từ loại gạo Nhật đã qua tuyển chọn, trải qua nhiều công đoạn lên men và nguyên tắc ủ rượu độc đáo mới cho ra đời được loại rượu thơm ngon tuyệt vời này. Khi uống, rượu Sake có mùi thơm dịu nhẹ của hương gạo, vị không quá gắt và tùy theo người thưởng thức sẽ có những hương vị rượu Sake khác nhau. Chẳng hạn như rượu sake của nữ sẽ có nồng độ nhẹ hơn vì làm bằng nước mềm còn rượu Sake của nam làm từ phần nước cứng, có nhiều muối canxi và muối magie, nên sở hữu vị hơi đắng.
Trong văn hóa ăn uống của người Nhật, người trẻ tuổi phải rót rượu cho người lớn tuổi và khi có người rót rượu cho bạn, bạn cần phải giữ cốc rượu bằng một tay, tay còn lại nâng phía dưới cốc để thể hiện phép lịch sự.
3.Nghệ Thuật Trà Đạo
Trà đạo là một trong những nét văn hóa đặc trưng của người Nhật, bởi sự cầu kỳ, tinh tế của nó khiến cho cả thế giới phải nghiêng mình thán phục. Văn hóa trà đạo của Nhật Bản không chỉ đơn thuần là những phép tắc pha trà và uống trà mà thông qua đó người Nhật còn muốn tìm thấy giá trị tinh thần cần có của bản thân.
Tinh thần trà đạo được biết đến qua 4 nguyên tắc Hòa – Kính – Thanh – Tịnh. Trong đó, “Hòa” là sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, “kính” là sự tôn kính của trà nhân đối với sự vật, con người, “Thanh” là tâm hồn thanh tịnh, thanh khiết còn “Tịnh” có nghĩa là sự yên tĩnh, vắng lặng mang đến cho con người cảm thấy nhẹ nhàng, tĩnh lặng. Suy rộng ra, trà đạo là con đường mà đi hết con đường đó sẽ đến nơi có “trà vừa ngon vừa không ngon”.
IV.Văn Hóa Lễ Hội & Phong Tục Tập Quán Của Nhật Bản
1.Phong Tục Đón Tết Cổ Truyền (Oshougatsu)
Khác với các nước châu Á trên thế giới, Tết cổ truyền ở Nhật Bản được tổ chức vào mùng 1 tháng 1 dương lịch hàng năm. Cũng giống với như phong tục tập quán của Việt Nam trước khi đón tết, mọi người thường quét dọn và trang trí nhà cửa, treo Shimenawa xua đuổi ma quỷ và chào đón những vị thần linh. Đây là ngày mọi người trong gia đình quây quần, chúc phúc cho nhau.
Mồng 1 tết, người Nhật sẽ làm các món ăn Nhật Bản truyền thống như sashimi, sushi, các món ăn làm từ hải sản, rau thịt… Sau bữa ăn, mọi người sẽ cùng nhau đi về quê hoặc đi chúc tết ông bà, người thân để có một năm mới đầy may mắn và bình an.
2.Lễ Hội
2.1.Lễ Hội Búp Bê (Hina Matsuri)
Được tổ chức vào mùng 03 tháng 03 hàng năm, lễ hội búp bê (Hina Matsuri) đã trở thành một nét đẹp văn hóa người Nhật Bản đặc trưng. Lễ hội búp bê được bắt nguồn từ thời kỳ Heian và vẫn được lưu giữ đến ngày nay. Hina Matsuri là ngày để gia đình cầu may mắn và sức khỏe đến với các bé gái. Trong ngày này, người ta sẽ bày biện các con búp bê Hina trong căn phòng đẹp nhất của gia đình (bao gồm búp bê hình Thiên Hoàng, Thiên Hậu và dàn cận thần xung quanh) . Người Nhật trong ngày lễ này sẽ quây quần bên nhau, uống rượu shirosake trắng và ăn bánh hishimochi để mừng ngày hội.
2.2.Lễ Hội Hoa Anh Đào (Hanami)
Lễ hội Hanami được xem là một trong những lễ hội lớn và lâu đời nhất tại Nhật. Hàng năm, vào mùa xuân từ cuối tháng 3 đầu tháng 4, hoa anh đào trên khắp cả nước Nhật bắt đầu nở rộ. Lễ hội hoa anh đào sẽ kéo dài trong khoảng 10 ngày, người dân sẽ ngồi dưới những tán hoa anh đào ngắm hoa, tổ chức tiệc tùng, cùng nhau hát hò, nhảy múa… Nếu có dịp ghé qua xứ sở hoa anh đào, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt sắc nơi đây; được tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán của đất nước xinh đẹp này.
2.3.Tết Thiếu Nhi (Kodomo No Hi)
Tết thiếu nhi – được tổ chức vào mùng 05 tháng 05 hàng năm, đã trở thành ngày nghỉ lễ toàn quốc của người dân Nhật Bản kể từ năm 1948. Mặc dù gọi là ngày tết thiếu nhi, nhưng thực ra đây là ngày dành cho các bé trai. Mỗi gia đình thường treo trên nóc nhà mình những dải cờ hình cá chép sặc sỡ, đa màu sắc tượng trưng cho sức mạnh, ý chí kiên cường.
2.4.Lễ Vu Lan (Obon)
Lễ hội Obon – nét văn hóa đặc sắc của Nhật Bản được tổ chức vào ngày 13 đến 20 tháng 7 hàng năm. Đây là dịp để người Nhật tưởng nhớ linh hồn của tổ tiên và những người bề trên đã khuất. Vào ngày lễ, người Nhật sẽ dọn dẹp mồ mả, dọn đường đi từ mộ về nhà và cúng những con châu, con ngựa bằng rơm bện rồi đem đốt lửa, như gửi gắm phương tiện đi lại cho người đã mất, hoặc thắp đèn lồng từ mộ đến nhà để chỉ lối về cho linh hồn tổ tiên và người thân đã khuất trở về nhà. Vào ngày cuối cùng của lễ hội Obon, người ta sẽ đem đèn lồng thả ở các con sông, hồ, các bờ biển… xem như tiễn đưa linh hồn người quá cố trở về thế giới của họ. Ở các vùng trên khắp cả nước Nhật sẽ tổ chức cuộc thi đốt pháo hoa, thả đèn trời, nhảy múa…
BY TUYỂN NGUYỄN/ dulichvtv.vn