SAC DEP HOA ANH DAO

Trường học tại Nhật Bản: Nguồn năng lượng tích cực cho thế hệ tương lai

Tin tức tổng hợp Cập nhật 04 tháng 05 782 lượt xem

Trẻ em là tương lai của đất nước, vì vậy các quốc gia trên thế giới đều đặt giáo dục làm trọng tâm trong chính sách phát triển. Chương trình giáo dục của mỗi quốc gia khác nhau có thể được triển khai với những ưu tiên khác nhau theo từng giai đoạn, song nhìn chung, hầu hết đều có một quan điểm xuyên suốt là xây dựng một môi trường tích cực trong trường học, mang tới những gì tốt nhất cho thế hệ tương lai.

Nhật Bản hiện đang là một trong những quốc gia đi đầu trong việc tạo ra môi trường học tập thân thiện, giúp học sinh không cảm thấy áp lực khi đến lớp và có thể phát triển tối đa tiềm năng của mình.

Không khí tại các trường học của Nhật Bản luôn thân thiện, cởi mở.

Đã làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng sau 20 năm sinh sống tại Nhật Bản, nhà toán học người Hungary Peter Frankl đã phải thốt lên rằng, ông ngưỡng mộ tình thần học tập của người dân Nhật Bản và nền giáo dục của đất nước này. Trước Peter Frankl, không ít nhà khoa học đã có chung nhận định tương tự.

Dù coi việc dạy dỗ đạo đức, nguyên tắc ứng xử là giá trị cốt lõi của giáo dục, nhưng không vì thế mà tại các trường học của Nhật Bản lại thiếu đi bầu không khí thân thiện, cởi mở. Ở các trường mẫu giáo và tiểu học, điều đầu tiên khi đến trường là cảnh các bé chào hỏi thầy cô giáo của mình rất to và rõ ràng. Ngược lại, các thầy cô là những người nêu gương, đứng đợi sẵn ở cổng trường và chào hỏi lại các bé. Việc dạy các bé chào hỏi vô cùng quan trọng. Thầy cô sẽ hướng dẫn các bé nhìn thẳng, trực tiếp vào mặt người đối diện, dạy cách đứng thẳng lưng và cúi đầu khi chào hỏi. Đây là cách để nhà trường rèn luyện cho các bé tính lễ phép, thẳng thắn ngay từ bước chân đầu tiên để học làm người.

Với phương châm “học làm người trước khi học kiến thức”, tính tích cực ở các trường mầm non tại đất nước Mặt trời mọc thể hiện ở các hoạt động học tập chủ yếu của trẻ là vui đùa, chạy nhảy ngoài trời. Trẻ không bị gò bó trong 4 bức tường của lớp học mà được thỏa sức ùa ra sân trường tìm hiểu thiên nhiên, tham gia trồng rau, quan sát các loài động vật... Các thầy cô giáo ở Nhật Bản tin rằng, thiên nhiên chính là lớp học tuyệt vời nhất cho mọi đứa trẻ, vì thế, họ tận dụng tối đa thời gian có thể để học sinh của mình được nghịch nước, vầy bùn và nô đùa thỏa sức.

Môi trường giáo dục ở các trường học từ tiểu học lên tới trung học phổ thông vô cùng cởi mở, thân thiện với giờ ra chơi luôn được ưu tiên để học sinh được vận động, chơi trò chơi, giải tỏa căng thẳng. Nét văn hóa của nhà trường còn thể hiện ở chỗ các câu lạc bộ thể thao rất phong phú trong các trường học nhằm khuyến khích học sinh lựa chọn theo đuổi tập luyện môn thể thao mà mình yêu thích nhất. Cũng chính vì quan điểm chú trọng dạy nhân cách trước tiên và cũng để cho lớp học sinh nhỏ tuổi không phải chịu áp lực học tập nên từ lớp 1 tới lớp 4, các em không phải trải qua kỳ thi nào mà chỉ phải làm những bài kiểm tra nhỏ.

Ở Nhật Bản, một ngôi trường thân thiện là nơi học sinh được phép đứng lên, tự do đi lại xung quanh lớp ngay cả khi tiết học đang diễn ra và hầu như có thể làm mọi việc, trừ những việc gây nguy hiểm. Điều này làm cho nhiều người cảm thấy bất ngờ nhưng những bất ngờ này đều nằm trong chuỗi chính sách có chủ đích của chính phủ Nhật Bản áp dụng cho học sinh tiểu học. Thay vì dành những năm tháng đầu tiên của bậc tiểu học rèn giũa học sinh về tầm quan trọng của việc làm đúng theo chỉ dẫn của giáo viên, người Nhật cho rằng đây là quãng thời gian để các bé tự nhận ra những gì mình phù hợp và yêu thích.

Các trường học Nhật Bản không sử dụng lao công mà học sinh tự dọn dẹp sạch sẽ mọi ngóc ngách trong trường, kể cả nhà vệ sinh.

Một điểm đáng chú ý nữa là tại Nhật Bản hầu như không có tình huống giáo viên mời học sinh ra khỏi lớp. Điều 26 trong Hiến pháp nước này quy định: “Tất cả mọi người đều có quyền được nhận sự giáo dục bình đẳng...” và người Nhật cho rằng trẻ em có thể sẽ không lĩnh hội được phần kiến thức được giảng trong lúc các em bị mời ra khỏi lớp. Vì vậy, các giáo viên phải quen với việc giữ điềm tĩnh trong khi dạy học.

Để tăng thêm sự gần gũi giữa các thành viên trong lớp học, giáo viên và học sinh thường ăn trưa theo nhóm. Bàn ăn của họ được sắp xếp mặt đối mặt với nhau, đặc biệt là ở các trường trung học cơ sở với một không gian thoải mái, thân thiện. Một số người có thể nghĩ rằng cách làm này có thể quá khác biệt vì trẻ em không được ăn trưa cùng với bạn bè ở các lớp khác. Tuy nhiên, trong khi ăn trưa, trẻ em thường có xu hướng tập trung thành nhóm với bạn thân của mình, có lẽ việc này cho phép học sinh giao lưu với không chỉ bạn thân mà với tất cả các bạn ở trong lớp.

Một tinh thần sảng khoái và cơ thể khỏe mạnh chính là bí quyết để trẻ em Nhật Bản luôn hào hứng đến trường và đạt thành tích học tập tốt. Triết lý này thấm nhuần trong suy nghĩ của các bậc cha mẹ, thầy cô giáo Nhật Bản. Họ luôn sẵn sàng mở rộng những cánh cửa đầy năng lượng và háo hức chào đón thế hệ tương lai, để từ chính những cánh cửa ấy, lũ trẻ lớn lên và tự tin mở ra những cánh cửa còn rộng lớn hơn, tuyệt vời hơn cho chính mình.

Theo Quỳnh Dương, hanoimoi.com.vn.

Link: http://www.hanoimoi.com.vn/ban-in/Giao-duc/950468/truong-hoc-tai-nhat-ban-nguon-nang-luong-tich-cuc-cho-the-he-tuong-lai