Tiết lộ lý do “Nhật Bản là quốc gia sạch nhất thế giới“: Văn hóa “đem rác về nhà“
Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng về cách phân loại rác cũng như ý thức của người dân trong việc giữ vệ sinh. Hãy cùng tìm hiểu về "bí kíp" xử lý rác thải cũng như văn hóa "đem rác về nhà" của người Nhật từ một du học sinh Việt Nam đang sống và học tập tại đây.
Túi đựng rác đắt đỏ
Tại Nhật, bao rác được phân loại rõ ràng theo dung tích và có giá khá cao, thông thường có 3 loại: Loại 15l với giá 150 yên (khoảng 30.000 đồng), loại 30l với giá 300 yên (khoảng 60.000 đồng), loại 45l với giá 450 yên (khoảng 90.000 đồng). Tất cả đều được chia thành mỗi gói 10 bao.
Mỗi loại túi đựng một loại rác
Tại đất nước Mặt Trời mọc, bao rác được phân chia theo màu sắc với mục đích sử dụng rõ ràng. Cụ thể, bao màu đỏ dành cho rác cháy được (giấy, thức ăn thừa, đồ sống, quần áo, giày dép,...). Bao màu xanh dành cho rác không cháy được (lon nước ngọt, lon bia, hộp kim loại, mảnh vỡ thuỷ tinh, sành sứ, dao kéo...). Bao màu vàng dành cho các loại bình, chai nhựa rỗng (chai dầu gội, chai nước ngọt, bình nước rủa chén, đồ nhựa...).
3 loại bao rác phổ biến ở Nhật được phân loại theo màu sắc tương ứng với những mục đích sử dụng khác nhau.
Người Nhật cũng có thói quen đổ bỏ hết dung dịch bên trong bình trước khi vứt, tháo nắp và nhãn ni lon vứt ở bao rác cháy được, còn bình thì vứt ở bao của chai nhựa. Đối với mảnh vỡ thủy tinh hoặc bóng đèn, dao kéo, mọi người phải bọc giấy cẩn thận và ghi chú thích là đồ dễ vỡ hay đồ nguy hiểm để tránh làm người khác bị thương. Lúc mới sang Nhật, nhiều người nước ngoài đều gặp khó khăn trong việc vứt rác, nhưng theo thời gian sẽ hình thành được những thói quen này.
Chai nhựa và lon kim loại được phân chia thành 2 túi khác nhau
Tương tự bao rác, thùng rác cũng được chia thành 3 loại, hầu hết được đặt ở cửa các siêu thị, khu thương mại, nhà ga, trường học, hay bên cạnh các máy bán nước tự động.
Thùng rác đặt ở trường học được phân loại rõ ràng
Thùng rác dành cho chai, lon được đặt bên cạnh các máy bán nước tự động
Thùng rác ở Nhật thường được ghi chú mục đích sử dụng rõ ràng
Thu gom rác theo ngày quy định
Ở Nhật, tùy theo từng khu vực mà ngày vứt rác cũng sẽ khác nhau. Rác cháy được, rác không cháy được, và các loại chai nhựa sẽ được thu gom vào các ngày khác nhau trong tuần. Do đó, những ai không vứt rác đúng ngày quy định hoặc không phân loại rác đúng thì sẽ không được thu gom.
Có một lần, mình quên mua bao rác cháy được, mình nghĩ là dùng tạm bao ni lon mua đồ ở siêu thị nhưng đã bị hàng xóm phàn nàn. Quả thật, việc phân chia rác đối với người Nhật cũng giống như việc chúng ta đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy vậy.
Lịch vứt rác được dán tại nơi vứt rác (Rác cháy được thu vào tối thứ 2 & thứ 5 hằng tuần, rác không cháy được thu vào tối Chủ Nhật thứ 4 của tháng, chai nhựa thu vào tối Chủ Nhật thứ 2 của tháng)
Các nhà để rác thường nằm ngay phía trước các chung cư, căn hộ. Tại Nhật có rất nhiều quạ, chúng có thể bới tung túi rác nhà bạn nếu bạn không vứt đúng nơi quy định
Các bao rác được cột (hoặc dán) cẩn thận để tránh bị đổ ra ngoài
Văn hóa "đem rác về nhà" của người Nhật
Cuối cùng là điều mà tớ rất thích, nếu có dịp đến đây, bạn sẽ thấy siêu khó để tìm ra thùng rác trên đường phố ở Nhật. Điều này gần như là không thể vì người Nhật có thói quen mang rác về nhà. Họ không để cho người khác vứt hộ rác của mình, không để ai phải phàn nàn, đồng thời có ý thức cực kì cao trong việc giữ vệ sinh chung.
Người Nhật sẽ tìm cho đến khi thấy thùng rác, nếu không họ sẽ mang về nhà để vứt. Đối với họ, làm gì cũng phải sạch, cực kì sạch. Sẽ không phải là một điều gì đó quá lạ lẫm nếu bạn thấy một người Nhật đang chùi từng viên gạch sàn nhà bằng miếng xốp nhỏ xíu.
Có một lần, mình hỏi cô bạn người Nhật là Sayaka học cùng lớp về việc làm sao để nhớ hết các loại rác. Bạn ấy tâm sự: “Từ nhỏ tớ nhìn bố mẹ vứt rác rồi học theo, đến lúc đi học tiểu học, thầy cô giáo cũng hướng dẫn nữa”.
Cô bạn Sayaka (ảnh) rất thích chia sẻ về Nhật Bản đến các bạn nước ngoài
Những mẹo xử lý rác thải của người Nhật hoàn toàn không quá khó để thực hiện. Do đó, ngay tại Việt Nam, chúng ta vẫn có thể học hỏi, làm theo để khiến môi trường sống trở nên sạch đẹp, văn minh hơn.
Nguồn: AN CHÂU (TỪ NHẬT BẢN)/ HOAHOCTRO.TIENPHONG.VN