Dưới đây là những chia sẻ của anh Justin - người gốc ở Bangor, Bắc Ireland. Anh đã đến Nhật sinh sống và hiện đang là giáo viên dạy tiếng Anh của một trường mầm non tại Nhật được 3 năm.
Những chia sẻ thú vị về công việc của anh cho thấy những điều khác biệt và mới mẻ mà trẻ em Nhật Bản được hưởng ngay từ khi còn rất nhỏ ở bậc học mầm non.
Tôi thực sự thích công việc của tôi bây giờ. Tôi yêu việc thức dậy và và đến trường làm việc và vui chơi cùng lũ trẻ. Khi làm công việc này, tôi được mỉm cười nhiều hơn so với bất cứ công việc nào khác mà tôi đã từng làm trước đây.
Đó là một công việc hết sức vui vẻ. Sự nhiệt tình, lúc nào cũng dồi dào năng lượng và hạnh phúc của bạn là thứ có thể truyền cảm hứng cho người khác. Giảng dạy ở cấp bậc này thật thú vị. Khi bạn nỗ lực hết mình, bạn sẽ nhận được những "phần thưởng" xứng đáng từ lũ trẻ. Đó là điều hết sức tuyệt vời.
Làm giáo viên mầm non ở Nhật Bản là điều hết sức tuyệt vời bởi vì bạn sẽ có những trải nghiệm và bài học vô cùng thú vị với những học sinh nhỏ tuổi của mình.
Hàng năm, 400 trẻ em ở trường mẫu giáo của tôi sẽ được tham gia vào một lễ hội nho nhỏ, chúng sẽ dùng tiền giả để trao đổi mua bán những đồ vật mà chúng và thầy cô đã làm ra.
Hoạt động chơi với người sumo trong khuôn viên trường khiến nhiều trẻ em thích thú.
Về cơ bản mỗi gumi (lớp học) sẽ biến thành một cửa hàng. Có cửa hàng bán hoa, một cửa hàng dành cho phụ kiện, cửa hàng bán những đồ dễ thương... Lũ trẻ sẽ là những giao dịch viên và người bán hàng. Chúng sẽ trao đổi và mua bán với nhau.
Lễ hội này có tên là omiseyasangokko - dịch ra có nghĩa là "giả vờ mua sắm" - là một cơ hội để bọn trẻ học hỏi, trao đổi, mặc cả và tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau.
Việc giả vờ mua sắm giúp các em học hỏi được nhiều kỹ năng.
Trang phục truyền thống nhân những dịp quan trọng.
Trẻ em ở Nhật bắt đầu đi học mẫu giáo từ khi được 3 tuổi. Bọn trẻ sẽ đến trường vào lúc 9 giờ sáng và được bố mẹ đón vào lúc 2 giờ chiều. Chúng đi học 5 ngày/tuần. Trẻ đến trường không chỉ để chơi đồ chơi (thực tế có rất ít đồ chơi ở trong lớp học ngoại trừ những ngày đặc biệt). Bên cạnh việc học tiếng Anh và bảng chữ cái tiếng Nhật hiragana, những đứa trẻ có cơ hội để cải thiện kỹ năng vận động và sáng tạo thông qua các môn học thủ công, thể thao và âm nhạc.
Một điều nữa là những đứa trẻ sẽ được học và tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản. Vì thế nếu bạn là giáo viên trong trường mầm non ở Nhật, bạn cũng sẽ phải tìm hiểu và trải nghiệm tất cả những điều này. Tôi lúc đó cũng giống như những đứa trẻ - háo hức thử nghiệm, khám phá những điều mới mẻ lần đầu tiên cùng nhau từ Lễ hội ném đậu Setsubun, giã bánh dày, hay lễ hội Tanabata (lễ hội ngưu lang chức nữ) của Nhật... Tất cả đều hết sức mới mẻ và lạ lẫm. Điều này khiến tôi thực sự thích thú.
Lũ trẻ thực sự rất dễ thương.
Tiếng Anh là một phần trong chương trình học mầm non ở Nhật Bản, nhưng không phải là trọng tâm chính. Mỗi ngày đối với tôi là một ngày khác nhau không hề lặp lại. Có thể là ngày hôm nay tôi đứng lớp, ngày mai tôi lại có một buổi dạy học đặc biệt dưới bể bơi, ngày khác sẽ là một chuyến đi thực địa thú vị cùng với lũ trẻ.... Lịch trình của tôi hết sức linh động và bạn biết đấy, với bọn trẻ con thì không có gì nhàm chán cả.
Công việc giáo viên mầm non sẽ khiến bạn luôn mỉm cười. Và lũ trẻ chính là phần thưởng xứng đáng dành cho những nỗ lực của bạn.
Tôi là một đứa con duy nhất trong nhà. Tôi không có anh chị em. Tôi chưa bao giờ được các em bé bao quanh hay được anh chị em yêu quý. Tôi sẽ không bao giờ nhận ra được mình rất yêu quý trẻ con cho đến khi tôi trở thành giáo viên mầm non. Trẻ con không chỉ có la ó, nước mắt và mè nheo, chúng thực sự rất dễ thương.
(Nguồn: Ikimasho)
Theo An Khánh, afamily.vn. Theo Trí Thức Trẻ
Link: https://afamily.vn/thay-giao-tay-chia-se-nhung-dieu-thu-vi-hoc-duoc-tu-tre-em-mam-non-nhat-ban-2015100203242359.chn