SAC DEP HOA ANH DAO

Núi Phú Sĩ và truyền thuyết về ngôi làng bị chôn vùi

Tin tức tổng hợp Cập nhật 16 tháng 09 814 lượt xem

Núi Phú Sĩ và truyền thuyết về ngôi làng bị chôn vùi

Biểu tượng, ngọn nguồn của quyền năng linh thiêng, điểm du lịch nổi tiếng, chủ đề của vô số những bức bích họa trong nhà tắm công cộng. Đối với Nhật Bản, núi Phú Sĩ mang rất nhiều ý nghĩa, nhưng đôi khi người ta quên rằng đây còn là ngọn núi lửa lớn nhất cả nước.

Lần phun trào gần nhất đã cách đây 3 thế kỷ, nhưng cứ mỗi năm trôi qua, khả năng ngọn núi này phun tiếp tục phun trào lại tăng lên. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm lại ngôi làng được cho là đã biến mất dưới lượng tro khổng lồ từ ngày đó. Những bằng chứng thực tế được khai quật có thể sẽ giúp ích cho các thế hệ sau chuẩn bị đối phó với tình huống xấu nhất.

Đợt phun trào Hoei bắt đầu từ ngày 16/12/1707. Khi đó Nhật Bản đang ở thời kỳ Edo. Trung tâm vụ nổ ở sườn dốc Đông Nam của núi Phú Sĩ và dung nham phun trào đến tận tháng 1 năm sau. Theo các ghi chép cổ thì ngôi làng Subashiri cách miệng núi lửa khoảng 10km là khu dân cư bị tàn phá nặng nề nhất. Trong làng có ngôi đền Fujisengen, là cổng dẫn vào một đường mòn lên núi. Sau những tuần lễ mùa Đông định mệnh ấy, không ai còn đi qua lối đó được nữa.

Các ghi chép còn cho ta biết rằng không ai thiệt mạng trong vụ phun trào, nhưng như thế không có nghĩa là thảm hoạ này không gây tác hại cho đời sống người dân địa phương. 37 ngôi nhà bị phá hủy trong một vụ hoả hoạn do dung nham nóng gây ra. 39 công trình còn lại oằn mình dưới sức nặng của đống đổ nát chất cao tới 3m và sụp xuống trong một loạt các cơn địa chấn.

Tất cả bị che phủ bởi lớp tro bụi dày. Chính quyền quyết định xây dựng lại mọi thứ trên bề mặt chứ không đào xới những thứ bị chôn vùi bên dưới. Subashiri trở thành truyền thuyết, ngôi làng bị phá hủy bởi kì quan thiên nhiên nổi tiếng nhất của Nhật Bản.

Subashiri Village

Làng Subashiri nằm ở vị trí hiện nay là khu vực Subashiri, thị trấn Oyama, tỉnh Shizuoka.

Tháng 6 năm ngoái, một dự án được khởi động để tìm hiểu rõ thêm về thảm họa này. Dự án được thực hiện bởi chính quyền thị trấn Oyama, là thị trấn nằm đúng tại vị trí của làng Subashiri xưa kia. Ngoài ra còn có một nhóm chuyên gia nghiên cứu bao gồm nhà khảo cổ học Sugiyama Cohe và nhà nghiên cứu núi lửa Fujii Toshitsugu, cả hai đều thuộc Đại học Tokyo.

Họ bắt đầu công cuộc tìm kiếm bằng một bài trắc địa. Dùng ra-đa xuyên đất, họ định vị được những thứ có thể là tàn tích của những kiến trúc giống nhà cửa. Khoảng 20cm dưới nền đất, họ phát hiện ra một lớp đá núi lửa dày 2m được gọi là xỉ.

4JnbC7HWmkzyPYV7t5i3pzz6a5u0ZkHlESbVQ3bt

Đào xuống sâu hơn chút nữa, họ tìm thấy một lớp đá bọt dày khoảng 15cm và quan trọng hơn là 2 vật thể có vẻ như là hai cột nhà bị cháy đen, đường kính khoảng 10cm. Gần đó còn có những mảnh vụn mà họ cho là từ các bức tường và mái nhà tranh bị cháy. Xa hơn một chút về phía Nam là một thửa ruộng có luống.

Trong cuộc tìm kiếm làng Subashiri, đây là những dấu vết đầu tiên minh chứng cho sự tồn tại của một khu dân cư.

Ông Sugiyama đánh giá rất cao phát hiện này. Ông cho biết: “Câu chuyện làng Subashiri bị chôn vùi dưới tro núi lửa là một truyền thuyết. Khẳng định được rằng ngôi làng thực sự từng tồn tại là một thành quả to lớn về khảo cổ học”.

Nhóm tiếp tục nghiên cứu đá bọt tìm thấy gần hai cây cột. Một phần mặt trong của những viên đá này bị chuyển thành màu đỏ, mà theo ông Fujii thì là do bị oxy hoá khi rơi xuống đất. Ông tin rằng những viên đá nóng tới hàng trăm độ C vào thời điểm phun trào đã thiêu rụi các căn nhà ở làng Subashiri.

A charred vertical pillar

Nhóm nghiên cứu tìm thấy hai vật có vẻ là hai cây cột bị cháy đen của một căn nhà.

Bài học từ thành Pompeii

Trong suốt 18 năm qua, hằng năm, ông Sugiyama vẫn đi tới miền Nam Italy và tham gia hoạt động khảo cổ liên quan đến núi Vesuvius. Ngọn núi này nổi tiếng với vụ phun trào năm 79 sau Công nguyên, chôn vùi thành phố Pompeii, khiến khoảng 2.000 người thiệt mạng. Ngọn núi lửa này vẫn đang hoạt động và là mối đe dọa đối với thành phố Naples và 1 triệu dân sống tại đó. Hoạt động nghiên cứu khảo cổ này cung cấp thông tin phục vụ các biện pháp ứng phó thảm họa do Cục Bảo vệ Công dân của Italy thực hiện.

Ông Sugiyama muốn áp dụng kinh nghiệm tích luỹ được ở Italy để tăng cường năng lực đối phó với các vụ núi lửa phun trào ở Nhật Bản. Ông nói: “Học hỏi về các thảm họa trong quá khứ là rất quan trọng trong việc tìm ra những biện pháp mới”.

Ancient records

Ghi chép cổ cho thấy làng Subashiri bị chôn vùi dưới một lớp tro núi lửa dày trong vụ phun trào Hoei.

Một uỷ ban của chính phủ tin rằng không cần phải bàn cãi nhiều về việc “nếu núi Phú Sĩ phun trào", mà quan trọng là “khi nào". Nếu một vụ phun trào với quy mô tương tự như lần trước xảy ra thì thiệt hại và mức độ tàn phá sẽ rất nghiêm trọng. Đường sá, đường sắt và các sân bay quanh khu vực Tokyo sẽ bị ảnh hưởng, dù nằm cách xa nơi phun trào tới 90km. Ủy ban cảnh báo những cơn mưa trộn lẫn tro núi lửa có thể phá hỏng đường dây điện, gây mất điện trên diện rộng.

Trong khi đó, nhóm nghiên cứu về số phận ngôi làng Subashiri tiếp tục đưa ra những phát hiện với hy vọng được càng nhiều người biết đến càng tốt. Ông Fujii cho biết: “Nếu người dân nhìn thấy tàn tích của những căn nhà bị cháy đen, họ sẽ suy nghĩ nghiêm túc hơn về việc sẵn sàng ứng phó thảm hoạ. Được chứng kiến tận mắt chắc chắn sẽ tạo ấn tượng sâu sắc hơn nhiều”.

Nguồn: nhk.or.jp