SAC DEP HOA ANH DAO

NỤ CƯỜI THỂ HIỆN TRÍ TUỆ CỦA NGƯỜI NHẬT

Văn hóa Nhật Cập nhật 24 tháng 08 959 lượt xem

Ngày 13/05/2011

Ảnh minh họa: Internet

Cười là một nghệ thuật, một hiện tượng văn hóa của người Nhật Bản, nên họ rất giỏi vận dụng nghệ thuật này. Có thể coi nụ cười của người Nhật như chiếc "mặt nạ", vừa có thể dùng để bộc lộ tính cách đặc trưng của mình, lại có thể dùng để che giấu thế giới tình cảm của bản thân; vừa có thể biểu hiện niềm vui của mình, lại có thể dễ dàng giấu đi sự khó xử trong lúc bối rối.

Nhà văn nổi tiếng người Nhật Akutagawa Ryunosuke có một truyện ngắn nổi tiếng, nhan đề là Chiếc khăn tay. Tóm tắt câu chuyện như sau: Có bà mẹ của một học sinh đến nhà một vị giáo sư người Mỹ đang dạy đại học ở Tokyo, báo với ông ta việc con trai bà đã tự sát. Vị giáo sư vô cùng xúc động sau khi biết tin này. Nhưng, đối với cử chỉ và biểu hiện của bà mẹ cậu học sinh xấu số kia, vị giáo sư người Mỹ lại cảm thấy vô cùng kinh ngạc và không sao tưởng tượng nổi, vì trong khi kể lại sự việc bi thảm trên, nét mặt bà ta luôn phảng phất một nụ cười!

Sau khi bà ta về, vị giáo sư mới phát hiện dưới chân bà có chiếc khăn tay nhàu nát vo viên. Lúc đó ông ta mới chợt hiểu: Thì ra, đằng sau nét mặt lộ vẻ tươi cười đó là một tâm hồn tái tê run rẩy, đang phải chịu đựng nỗi thống khổ cùng cực.

Lafcondia Hobes - một học giả phương Tây nổi tiếng chuyên nghiên cứu về Nhật Bản - cũng kể lại một câu chuyện tương tự, trong bài viết có nhan đề Nụ cười Nhật Bản của ông: Có người phụ nữ Nhật được gia đình người Mỹ nọ thuê giúp việc, một hôm đột nhiên bỏ đi mà chưa được sự đồng ý của chủ nhà. Sau mấy ngày, cô ta trở lại gia đình chủ nhân kể rõ lý do việc tự tiện bỏ việc của mình với vẻ mặt tươi tỉnh, gần như phấn chấn - Cô ta phải vội trở về nhà để lo an táng cho người chồng vừa mất.

Nữ chủ nhân người Mỹ cảm thông sâu sắc với nỗi bất hạnh của người giúp việc, nhưng lại không sao hiểu nổi thái độ dường như vui vẻ của cô ta: Người chồng mất đi vốn là việc đau buồn, vậy mà nét mặt cô ta lúc nào như cũng đang mỉm cười? Nữ chủ nhân bèn hỏi cô ta về thái độ lạ lùng này, nhưng người giúp việc chỉ cười mà không trả lời…

Theo sự phân loại trong tác phẩm Người Nhật Bản của hai chuyên gia nghiên cứu Nhật là Fpranewcaf và Irataneufil, có thể chia tiếng cười của người Nhật thành mấy dạng chủ yếu sau: Nụ cười che giấu nỗi đau buồn (như nụ cười của người phụ nữ sau khi đưa tang chồng trở về); nụ cười cao ngạo không biểu lộ tình cảm (mà ngay một bé gái sáu tuổi cũng đã biết); nụ cười xã giao (kiểu cười này giống như việc phải mặc lễ phục dân tộc  - Hòa phục - trong những dịp thích hợp do nhu cầu lễ nghi); nụ cười nghề nghiệp (như nụ cười của bác sĩ đối với bệnh nhân); nụ cười thỏa mãn của người già; nụ cười của thương nhân trong những buổi tiệc tùng,…

Cười là một nghệ thuật, một hiện tượng văn hóa của người Nhật Bản, nên họ rất giỏi vận dụng nghệ thuật này. Có thể coi nụ cười của người Nhật như chiếc "mặt nạ", vừa có thể dùng để bộc lộ tính cách đặc trưng của mình, lại có thể dùng để che giấu thế giới tình cảm của bản thân; vừa có thể biểu hiện niềm vui của mình, lại có thể dễ dàng giấu đi sự khó xử trong lúc bối rối.

Họ cười lúc đáng cười, nhưng ngay cả lúc không thể cười họ vẫn cười. Không có gì đáng ngạc nhiên khi có nhiều người nước ngoài cho rằng, nụ cười của người Nhật "sâu xa khôn lường", rất khó lý giải. Đương nhiên, khi ở vào hoàn cảnh không bị câu thúc, trong không khí thân mật bình thường, người Nhật cũng sẽ cố ý hoặc vô tình "tháo gỡ" chiếc "mặt nạ", trở lại với cái cười vốn mang thuộc tính sinh lý. Một khi hoàn cảnh trên không còn tồn tại, họ lại trở về với nụ cười mang thuộc tính văn hóa…

Mọi người đều biết, Võ sĩ đạo từng là trụ cột tinh thần của dân tộc Nhật Bản. Đến nay, tinh thần này vẫn có ảnh hưởng đối với dân chúng Nhật. Theo quan niệm Võ sĩ đạo, một cá nhân tự tôn tự trọng thì tất phải có tinh thần nhẫn nại và ý thức tự kiềm chế. Từ quan niệm giá trị nhân sinh này, mỗi cá nhân dù ở trong hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn phức tạp đều không thể say sưa mãn nguyện hoặc đau buồn, hoảng loạn. Ước thúc bản thân hay khắc chế sự nóng nảy của bản thân, vừa là biện pháp, cũng vừa là mục đích tu dưỡng của người Nhật.

Bởi vậy, người Nhật cho rằng, khi đau buồn thì cần phải kiềm chế nỗi đau, gắng gượng tươi tỉnh, bình thản. Như vậy có thể sẽ khiến người khác không biết được cảm nghĩ chân thực của mình, có thể chứng tỏ được mình là người có tu dưỡng, có khả năng tự kiềm chế.

Nụ cười của người Nhật là sản phẩm của lịch sử và văn hóa, "Vẻ mặt tươi cười là chuẩn tắc tối cao của tinh thần giáo dục Võ sĩ đạo, nó đã hình thành nên đặc trưng lễ phép, lịch sự trong tính cách dân tộc". Phẩm hạnh này của người Nhật được cả thế giới công nhận, nhưng nó hoàn toàn không giới hạn ở cử chỉ ưu nhã và giọng nói điềm tĩnh, nhẹ nhàng - mà hơn thế, nó đòi hỏi mỗi người luôn phải mang lại niềm vui cho người khác, chứ không phải ngược lại.

Người Nhật ý thức sâu sắc rằng: "Một người thất vọng, mười người mất vui". Ngoại trừ những cá nhân chỉ biết vui trước nỗi đau của người khác, nếu không, người ta sẽ không bao giờ dửng dưng, chai sạn trước niềm vui hay nỗi buồn của đồng loại. Vì thế, "cùng chia sẻ niềm vui với hạnh phúc của người khác, chớ nên để người khác nhìn thấy giọt nước mắt của anh" đã trở thành chuẩn tắc hành vi của người Nhật.

Truyện ngắn Chiếc khăn tay của Akutagawa Ryunosuke sở dĩ có sức lôi cuốn nghệ thuật lớn như thế và trở thành một tác phẩm để đời chính là vì tác giả đã xây dựng thành công hình tượng một người mẹ Nhật Bản chân chính, một người phụ nữ có quan niệm giá trị và quan niệm đạo đức truyền thống, có lời nói và cử chỉ thể hiện được đầy đủ "Lễ tiết" kiểu Nhật Bản.

Quả thực, thời đại Tokugawa ở Nhật Bản, tầng lớp võ sĩ luôn tuân thủ câu cách ngôn: "Nam tử tam niên bán biên kiểm", nghĩa là, đàn ông ba năm mới có thể cười một lần, mà cũng chớ cười thoải mái để biểu thị sự cương nghị của mình.

Về bản chất mà nói, đối với người Nhật Bản, lúc nên cười mà không cười cũng như lúc không nên cười mà lại cười đều là sự dị hóa đối với công năng của tiếng cười, khiến tiếng cười không còn là xuất phát từ nhu cầu bộc lộ tình cảm, mà xuất phát từ nhu cầu ghìm nén tình cảm, khiến nó biến thành một hiện tượng văn hóa "Sâu xa khó lường" từ một hiện tượng sinh lý bình thường, và từ đó, trở thành một nghệ thuật cần phải được vận dụng một cách chính xác trong mối quan hệ đối nhân xử thế. Không thể nghi ngờ, đó chính là nụ cười thể hiện trí tuệ độc đáo của người Nhật

Theo Thảo Hương (Theo Trí tuệ thế giới, Phúc Đán đại học xuất bản xã, 2002)

Theo cand.com.vn

Link: https://cand.com.vn/van-hoa/Nu-cuoi-the-hien-tri-tue-cua-nguoi-Nhat-i179651/