Ngày 12/05/2021
Theo tờ Nikkei Asian Review, Nhật Bản đang chậm chân hơn hàng loạt các nước như Anh, Mỹ, Trung Quốc, Nga hay thậm chí là cả Ấn Độ và Việt Nam trong cuộc đua phát triển Vaccine chống dịch Covid-19. Nền kinh tế phát triển vốn tự hào về y tế này đang phải dựa dẫm vào nguồn Vaccine nhập khẩu.
Vào tháng 4/2021, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã có chuyến viếng thăm Mỹ và nói chuyện với CEO Albert Bourla của hãng dược Pfizer, bàn về những chuyến hàng Vaccine vận chuyển đến Nhật.
Trên thực tế ông Taro Kono mới là người chịu trách nhiệm chính về chương trình tiêm chủng, nhưng CEO Bourla đòi gặp mặt trực tiếp với Thủ tướng Suga.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga
Theo tờ Nikkei, nhà lãnh đạo Nhật Bản hầu như chẳng có mấy lựa chọn bởi dù tự hào về hệ thống y tế nhưng nước này lại đang lạc hậu rất nhiều trong khoản Vaccine. Nghe có vẻ trớ trêu nhưng một phán quyết từ 30 năm trước nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã hủy diệt cả mảng phát triển Vaccine của Nhật Bản một cách âm thầm.
Hệ quả là giờ đây khi cả thế giới chạy đua phát triển Vaccine chống dịch Covid-19 thì một nước có công nghệ phát triển như Nhật Bản lại chưa thể cấp phép cho bất kỳ sản phẩm nội địa nào.
Quay ngược dòng lịch sử vào thập niên 1980, Nhật Bản vẫn là cường quốc đi đầu về công nghệ Vaccine chống bệnh thủy đậu, viêm não và ho gà. Thậm chí Nhật Bản còn cấp phép Vaccine cho cả Mỹ cùng nhiều quốc gia khác.
Thế nhưng mọi chuyện bất ngờ chuyển biến vào năm 1992 khi Tòa án phán quyết chính phủ phải bồi thường cho những người chịu tác dụng phụ vì tham gia chương trình tiêm chủng. Các quan chức Nhật Bản không hề có động thái kháng kiện hay phản đối, thay vào đó họ coi đây là một bước tiến nhằm đảm bảo tính an toàn cũng như khuyến khích người dân tiêm chủng.
Tuy nhiên không ai để ý rằng phán quyết này sẽ làm các doanh nghiệp dược e ngại trong việc phát triển Vaccine mới.
Đến khi việc tiêm chủng không còn mang tính bắt buộc vào năm 1994 thì tỷ lệ dùng Vaccine trong người dân giảm hẳn do lo ngại những tác dụng phụ bất chấp việc họ sẽ nhận được bồi thường. Các doanh nghiệp dược thì chẳng muốn đổ nhiều tiền cho sản phẩm sẽ chỉ tiêm một lần trong đời mà còn phải đảm bảo an toàn nếu không muốn bồi thường.
Giờ đây, một sản phẩm Vaccine chỉ mất vài năm để thông qua tại Mỹ hoặc Châu Âu thì con số này là hơn 10 năm tại Nhật Bản. Sản phẩm Vaccine chống Covid-19 của Pfizer đã được Bộ y tế Nhật cấp phép dạng đặc biệt để tiêm cho người cao tuổi, nhưng quy trình này chỉ được áp dụng trong trường hợp khẩn cấp với một số loại Vaccine nước ngoài.
Trái ngược lại tại Mỹ, chính phủ đã tăng cường hỗ trợ phát triển Vaccine từ năm 2001 trước các hiểm họa tấn công khủng bố bằng sinh hóa học. Những hỗ trợ về tài chính, thử nghiệm hay tiến trình cấp phép khẩn cấp được xây dựng nhằm đảm bảo Vaccine sẽ được tiêm chủng nhanh nhất nếu có chuyện xảy ra.
Thị trường Vaccine quốc tế tăng trưởng bình quân 7%/năm và nhiều công nghệ mới đã được phát triển. Ví dụ như việc dùng công nghệ RNA đã được nghiên cứu 20 năm qua để phát triển Vaccine chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, một công ty tư nhân thì chẳng thể làm được điều đó một mình nếu thiếu sự hỗ trợ của chính phủ.
Ngay cả những tập đoàn lớn trên thế giới như Pfizer hay AstraZeneca cũng cần sự hỗ trợ của chính phủ để có thể kịp thời sản xuất cũng như phân phối Vaccine đến tay người dân.
Vậy nhưng tại Nhật Bản, chính phủ hầu như không có nhiều chính sách hỗ trợ mảng này.
Lấy hãng dược UMN Pharma của Nhật làm ví dụ. Công ty dược này muốn phát triển công nghệ Vaccine chống cúm mới khi chi hơn 100 triệu USD xây nhà máy. Thế nhưng đơn xin phép của doanh nghiệp đã bị từ chối vào năm 2017 với lý do công nghệ này không có nhiều hiệu quả lâm sàng so với những loại đang dùng.
Hiện Vaccine do UMN chế tạo đã được phê duyệt ở Mỹ nhưng nó vẫn gặp khó khăn trên chính thị trường quê nhà. Sự trớ trêu này khiến một người giấu tên trong ngành dược than vãn với tờ Nikkei rằng liệu còn ai muốn phát triển Vaccine trong nước nữa.
Theo một nhà virus học giấu tên nói với tờ Nikkei, Nhật Bản có quá nhiều quy trình và thiếu sự hỗ trợ cho việc phát triển Vaccine. Toàn bộ nước Nhật chỉ có 2 cơ sở nghiên cứu đủ khả năng xử lý những virus hay bệnh dịch nguy hiểm nhất nhưng một cơ sở đã phải đóng cửa vì người dân địa phương phản đối do lo ngại lây nhiễm. Cơ sở này chỉ mới được mở cửa trở lại gần đây trước sức ép từ đại dịch Covid-19.
Việc phát triển Vaccine tại Nhật liên quan đến nhiều bộ luật phức tạp của các cơ quan ban ngành khác nhau, trong khi việc can thiệp vào gen của thí nghiệm dược phẩm bị giới hạn bởi Nghị định thư an toàn sinh học Cartagena mà nước này đã ký.
Trái ngược lại, Liên minh Châu Âu (EU) đã miễn áp dụng nghị định thư này với các hãng dược để chạy đua phát triển Vaccine chống dịch Covid-19, còn nước Mỹ thì thậm chí chưa thèm ký chúng.
Trước thực trạng này, nhiều hãng dược Nhật Bản đã bỏ qua thị trường nội địa. Công ty dược Takeda Pharmaceutical thậm chí chẳng có kế hoạch xin cấp phép sản phẩm vaccine chống sốt xuất huyết loại mới của mình tại Nhật Bản mà hướng sang thị trường quốc tế. Tương tự, sản phẩm Vaccine từ cây thuốc lá của Mitsubishi Tanabe Pharma cũng chẳng quan tâm đến việc thị trường trong nước.
Theo đánh giá của tờ Nikkei, chính quyền Tokyo đã có phản ứng khá nhanh trong việc thu gom Vaccine Covid-19 nhưng họ lại đang chậm chân trong việc phát triển sản phẩm của chính mình. Những Vaccine chống Covid-19 nếu được phát triển bởi các hãng trong nước có lẽ sẽ chẳng được cấp phép cho đến sớm nhất là năm 2022.
*Nguồn: Nikkei Asian Review
Theo Huyền Băng, cafebiz.vn. Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Link: https://cafebiz.vn/nikkei-tai-sao-nhat-ban-cham-chan-hon-nhieu-nuoc-trong-cuoc-chay-dua-phat-trien-vaccine-chong-covid-19-20210511153130745.chn