Ngày 03/06/2020
Chị Kiyoko Iwamura hiện đang khá mãn nguyện với công việc và gia đình ở vùng ngoại ô Tokyo, nhưng trong sâu thẳm vẫn khao khát một cuộc sống thoải mái hơn ở nông thôn.
Bà mẹ 40 tuổi đang làm trong ngành tiếp thị cho biết: Tôi cảm thấy rất may mắn khi sống ở đây vì quang cảnh tương đối thoáng đãng và tôi cũng có khá nhiều bạn bè.
Cuộc khảo sát vào năm 2018, chỉ có 23% cư dân đô thị Nhật Bản cho biết họ hy vọng một ngày nào đó sẽ chuyển về vùng nông thôn. Ảnh: Getty Images
Tôi nhận thấy ở các đô thị, mọi người thường không có mối quan hệ tốt với xung quanh do hầu như họ hiếm khi đi ra khỏi nhà và giao du với hàng xóm. Họ thường sống trong những căn hộ rất nhỏ hoặc những ngôi nhà ở trung tâm các thành phố nên trông họ khá cô đơn.
“Một trong những người bạn của tôi gần đây đã buộc phải ở nhà với ba đứa con nhỏ do cuộc khủng hoảng coronavirus và cô ấy đã rất buồn vì đã nhận được một lá thư trách móc của một người hàng xóm than thở rằng, lũ trẻ nhà cô quá hiếu động đồng thời yêu cầu cô ấy phải có cách ép tụi nhỏ trật tự”. Chị Iwamura kể lại và cho rằng, đây là hành vi ích kỷ- một lối sống “không láng giềng”- điều không bao giờ có, kể cả trong tưởng tượng ở quê cô, một thị trấn nhỏ ở tỉnh Kumamoto.
Mẹ tôi đã nghỉ hưu nhưng bà lúc nào cũng bận rộn với xóm giềng và bầu bạn. Bà sống trong một ngôi nhà cổ rất rộng bên cạnh một nông trại nhỏ để trồng rau xanh và hằng ngày đều tập thể dục, ăn uống lành mạnh. “Ở các vùng nông thôn, nơi những phong tục cũ vẫn còn tồn tại chính là nơi mà tôi muốn sống khi về hưu”, chị Iwamura chia sẻ.
Các cuộc điều tra nghiên cứu về lối sống của người dân Nhật Bản gần đây đều cho thấy, sự lựa chọn của Iwamura là “không đơn độc” khi có tới gần 50% cư dân ở thủ đô Tokyo và ba tỉnh thành lân cận gồm Kanagawa, Chiba và Saitama đều bày tỏ mong muốn được sống ở vùng nông thôn trong tương lai.
Cuộc khảo sát do Ban Thư ký Nội các Nhật Bản tiến hành, trưng cầu 10.000 người dân đang sinh sống ở các đô thị trong hai tháng đầu năm nay trong bối cảnh lo lắng về nguy cơ của đại dịch coronavirus đã chứng kiến một sự thay đổi sâu sắc, trong khi hai năm trước con số này chỉ là 23%.
Sau nhiều thập kỷ chính phủ Nhật Bản khuyến khích điều ngược lại, khi ủng hộ tỷ lệ di dân từ các vùng nông thôn ra các thành phố lớn để tìm kiếm việc làm thì đến năm 2018, nội các đã phải công bố một lộ trình cấp không 3 triệu yên (tương đương 27.850 USD) cho những người dân đang sinh sống ở thủ đô Tokyo chuyển về các vùng nông thôn mua nhà, nhằm giảm bớt vấn nạn tắc đường và nhiều hệ lụy khác.
Hình ảnh người dân Nhật Bản đi lại chen chúc thường ngày ở thủ đô Tokyo. Ảnh: WPP
Hiện có khoảng 9,3 triệu dân đang sinh sống ở 23 phường khu vực trung tâm Tokyo, với diện tích 619 km2, trong khi 2.188 km2 thuộc khu vực đô thị mở rộng của thủ đô lại chỉ có 36 triệu người.
Theo các chuyên gia, trong khi tỷ lệ dân số Nhật Bản đang bị già hóa và tỷ lệ sinh rất thấp sau khi đạt đỉnh là 127,3 triệu người vào năm 2010 thì số người sống ở thủ đô lại tiếp tục tăng lên do vấn đề di dân tìm việc làm và giáo dục đã khiến các hệ thống giao thông công cộng, bệnh viện và cơ sở hạ tầng khác bị quá tải. Trong khi đó, rất nhiều ngôi làng và thị trấn ở nông thôn hiện chỉ toàn người già sinh sống, các trường học phải đóng cửa và đất nông nghiệp bị bỏ hoang vì không còn người trẻ.
Khi được hỏi vì sao người dân ở đô thị lại muốn đổ về nông thôn, gần 55% số người được hỏi cho biết, muốn gần gũi môi trường tự nhiên trong lành, trong khi hơn 16% cho biết họ muốn về lại quê hương bản quán.
Chính phủ Nhật Bản hiện đang xây dựng một trang web nhằm cung cấp đầy đủ các thông tin hai chiều liên quan đến vấn đề này để phục vụ người dân dịch chuyển.
Con số thống kê cho thấy mật độ dân số trên đảo Kuroshima còn ít hơn nhiều so với bò. Ảnh: Getty Image
Trưởng làng Shingo Kominato tại hòn đảo Kuroshima cho biết, sẽ mở rộng vòng tay chào đón những người mới đến định cư. Với diện tích vỏn vẹn 15,37 km2 và cách sáu giờ tàu thủy từ trung tâm vùng Kyushu, hòn đảo này có hơn 200 cư dân cách nay một thập kỷ bây giờ chỉ còn đúng 111 người, chủ yếu là người già.
“Chúng tôi muốn có một cộng đồng lớn hơn trên đảo. Dân số đang giảm nhanh ở tất cả các vùng nông thôn của Nhật Bản do những người trẻ tuổi muốn có một công việc tốt và trải nghiệm sống tại các thành phố lớn”, ông Kominato nói.
Trong nỗ lực thu hút người dân đến sống ở Kuroshima, mấy năm trước hội đồng làng đã phải công bố một gói trợ cấp, tặng mỗi người chuyển đến đây ở được nhận 85.000 yên (788 USD) để trang trải chi phí sinh hoạt trong tháng đầu và còn được lựa chọn một trong hai khoản 300.000 yên (2.781 USD) hoặc là một con bò sữa để làm lưng vốn.
Kết quả là trong năm ngoái đã có chín người dân từ lục địa chuyển đến hòn đảo này sinh sống. Khi được hỏi về sức hấp dẫn lớn nhất của hòn đảo Kuroshima là gì, ông Kominato chỉ nói ngắn gọn: Ở đây có rất ít người nên cuộc sống hoàn toàn dễ chịu.
Nguồn: (SCMP)
Theo Kim Long, nongnghiep.vn
Link: https://nongnghiep.vn/mot-nua-thi-dan-nhat-ban-muon-ha-canh-o-nong-thon-d265627.html