Ngày 04/04/2021
Chọn lối sống tối giản, nhiều người Nhật Bản đã biến căn hộ của mình gần như "vườn không nhà trống" với một số đồ đạc cực kỳ ít ỏi.
Fumio Sasaki là một nam biên tập viên 36 tuổi, sống ở Tokyo, Nhật Bản. Người đàn ông này từng thích sưu tập sách, CD và DVD nhưng có những cuốn chưa bao giờ đọc hết. Trong tủ quần áo có những bộ quần áo được mua vì thích, nhưng chưa mặc lần nào. Ở góc nhà, có cây đàn guitar và thiết bị âm thanh, nhưng Sasaki chẳng có thời gian để chơi.
Tuy nhiên, sau khi cảm thấy sự lộn xộn do nhiều đồ đạc trong căn hộ, anh đã quyết định bán và tặng cho bạn bè. "Dành ít thời gian dọn dẹp hoặc mua sắm có nghĩa tôi có nhiều thời gian hơn cho bạn bè, đi chơi, đi du lịch trong ngày nghỉ", anh Fumio Sasaki nói.
Sự thay đổi của Fumio Sasaki đến sau khi đọc bài báo về chủ nghĩa tối giản. Anh nhận ra cảm thấy khó chịu với cảnh sống lộn xộn, không có đủ sức để dọn dẹp cho căn nhà sạch sẽ vì có quá nhiều đồ đạc. Sau khi tặng bạn bè những đồ đạc không cần thiết, quét ảnh và thư từ dưới dạng kỹ thuật số, căn hộ chỉ rộng khoảng 19m2 trở nên rộng rãi và thoải mái.
Hiện tại chỉ có khoảng 200 đồ vật trong căn hộ của người đàn ông làm công việc biên tập viên. Trước đây, tất cả là mớ hỗn độn, có nhiều thứ chẳng có tác dụng. Ngoài quần áo gồm 3 áo sơ mi, 4 chiếc quần âu, 4 đôi tất, trong nhà tắm của Sasaki chỉ có dao cạo râu, kéo… và thêm một ít bát đũa.
Trong khi đó, căn hộ của anh Katsuya Toyoda ở Nhật Bản chỉ có một cái bàn, tủ quần áo và nệm đặt ra sàn nhà để ngủ vào ban đêm. Ban ngày nệm được cất trong tủ quần áo nên sàn nhà chỉ có tấm chiếu trải.
Thậm chí, trong bếp và nhà tắm của Katsuya Toyoda không có thứ gì, quần áo rất tối giản. Khi bước vào trong, ai cũng ngỡ ngàng do không gian trống trơn, nhưng ấn tượng hơn cả là không bị bừa bộn như những gia đình nhiều đồ.
Nhà văn Naoki Numahata ở Nhật Bản cũng chọn lối sống tối giản trong một căn hộ bình thường. Người đàn ông này cho rằng, khi có ít đồ đạc thì không gian sẽ tràn ngập trí tưởng tượng của mọi người.
Phòng tắm không có nhiều đồ đạc như các gia đình khác, dụng cụ cắm bàn chải cũng bình dị, không cầu kỳ hay đắt tiền.
Nhà bếp của Naoki Numahata cũng chỉ có vài ba thứ đơn giản, nên trông gọn gàng ngăn nắp.
Nguồn: vietnamnet.vn. Theo Dân trí
Link: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/chuyen-la/kieu-song-vuon-khong-nha-trong-ky-la-cua-nguoi-nhat-724890.html