Ở thời đại mà niềm tin giữa người với người là một điều khá phù phiếm thì bạn sẽ ngạc nhiên khi ở đất nước này, người ta có thể dễ dàng bắt gặp các gian hàng "không người bán" hay chiếc ví bị mất bỗng dưng được mang đến tận cửa phòng dù họ chẳng mảy may hy vọng tìm lại được.
Trung thực dường như đã trở thành thói quen của người Nhật
Không phải ngẫu nhiên mà Nhật Bản được nhiều người đánh giá là quốc gia trung thực nhất thế giới. Báo cáo gần đây của cảnh sát Metropolitan Tokyo cho biết, năm 2016, số tiền mặt kỷ lục 3,76 tỉ yên (42 triệu USD) bị thất lạc được đưa đến cảnh sát và 3/4 số tiền này đã được trả lại cho chủ nhân của nó.
Do tiền mặt vẫn là phương tiện thanh toán phổ biến tại Nhật hiện nay, vậy nên, hầu như mọi người khi ra khỏi nhà đều phải mang số tiền mặt không nhỏ trong người. Điều này dẫn đến việc tỉ lệ rủi ro mất trộm có vẻ sẽ cao. Tuy nhiên, thực tế lại chứng minh điều hoàn toàn ngược lại.
Anh chàng Rishank Kumar người Mỹ từng chia sẻ: "Tôi đã làm rơi ví trên đường từ sân bay Narita về khách sạn ngay lần đầu tiên đặt chân đến Tokyo. Tôi không hề biết một chữ bẻ đôi tiếng bản ngữ vì vậy tôi đã phải nhờ một người bạn giúp liên hệ với khách sạn nơi tôi thuê. Và không lâu sau đó thì cảnh sát Tokyo đã mang ví đến trả lại tôi. Thật không thể tin được".
Có lẽ không hề ngoa khi nói rằng "Ở Nhật khi bị mất đồ chỉ có một mong ước duy nhất là người Nhật nhặt được đồ".
Kênh truyền hình Joke của Trung Quốc cũng từng thực hiện một thí nghiệm thú vị để thử lòng trung thực của người Nhật. Trong thử nghiệm này, một cô gái sẽ vờ như nhặt được 10.000 yên (tương đương 2 triệu đồng) và hỏi một người bất kì xem đó có phải là tiền của anh/cô ta không. Kết quả khá bất ngờ khi không có ai nhận vơ đấy là tiền của mình. Thậm chí có cụ già tốt bụng còn khuyên cô gái hãy mang số tiền này đến nộp ở đồn cảnh sát.
Nhật Bản được mệnh danh là 1 trong những quốc gia trung thực nhất thế giới.
Không chỉ trong cuộc sống, tính trung thực của người Nhật còn biểu hiện ở tác phong làm việc. Du học sinh Trần Hữu Tùng đang học tập tại trường Nhật Ngữ Quốc tế J – Osaka từng chia sẻ câu chuyện của mình trên một trang web du học: "Sống tại Nhật, tôi có cơ hội đi làm thêm tại một cửa hàng Sushi. Dù chỉ là một cửa hàng ăn không quá lớn nhưng yêu cầu của họ rất khắt khe, các món ăn phải đảm bảo an toàn thực phẩm và thẩm mỹ cao. Một hôm, nhóm phụ bếp chúng tôi đã lỡ cắt tỉa lỗi những sản phẩm rau, củ, quả.
Thay vì nhất quyết loại bỏ chúng một cách phí phạm vì không đủ tính thẩm mỹ, chúng tôi khéo léo bày biện để che đi khuyết điểm và hôm đó mọi chuyện đều suôn sẻ. Cho đến tối, khi đang trên đường đi làm về thì tôi nhận được tin nhắn từ anh quản lý: "Trách nhiệm của chúng ta là phải đưa đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng và sáng mai anh nghĩ chúng ta phải nhận lỗi với ông chủ về số hoa quả lỗi hôm nay". Sau tin nhắn đó, tôi đã khá bàng hoàng và cũng ngộ ra rằng để có được chữ tín, ta phải nuôi dưỡng tính trung thực không chỉ trong cuộc sống bình thường mà ngay cả trong công việc".
Những gian hàng không người bán tại Nhật Bản.
Ngoài ra, Nhật Bản còn được biết đến là quốc gia có số lượng máy bán hàng tự động lớn nhất thế giới. Dù trong máy có hàng chục nghìn yên và nằm ở các con ngõ vắng vẻ thế nhưng chưa bao giờ người ta phải lo lắng về việc liệu nó có bị phá hoại hay trộm cắp hay không.
Cũng là một hình thức buôn bán bằng lòng tin và sự tử tế, đó chính là những gian hàng "không người bán". Ghé thăm những vùng nông thôn của Nhật, du khách sẽ dễ dàng nhìn thấy những quầy hàng xinh xắn như này bên vệ đường.
Tại đây, người nông dân sẽ mang rau củ quả bày tại một gian hàng và đính kèm giá vào mỗi loại mặt hàng. Nếu ai muốn mua chỉ cần tự chọn tự cân và tự cho tiền vào thùng. Cuối ngày chủ cửa hàng sẽ đến thu dọn hàng và kiểm tiền.
Đây là cửa hàng không người bán của một người nông dân tại tỉnh Kagoshima, thuộc đảo Kyushu miền Nam nước Nhật.
Điều gì khiến người Nhật trung thực đến vậy?
Từng nghe giới hạn của lòng tham con người sẽ lên đến đỉnh điểm khi người ta biết chắc chắn rằng việc xấu họ làm ngoài họ ra không ai hay biết. Rõ ràng trong tình huống trên, người ta có thể lấy một món hàng nào đó, thậm chí họ còn có thể trộm nguyên thùng tiền mà chẳng ai hay biết. Vậy nhưng chẳng ai buồn tham lam mà lấy cho mình.
Vậy điều gì giúp người Nhật có thể vượt qua được cám dỗ của lòng tham? Có lẽ chỉ có sự tử tế và lòng tự trọng mới đủ sức làm được điều đó.
Trẻ em Nhật tự đến trường
Lòng tự tôn dân tộc đã ăn sâu vào tiềm thức của người Nhật từ những ngày xa xưa. Nó dường như đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng trong tính cách của người Nhật. Chúng ta không còn lạ lẫm gì với hình ảnh samurai tự mổ bụng khi thất thủ để tránh rơi vào tay quân thù và bị làm nhục. Đến cái chết cũng không thể làm họ nao núng thì tất cả những ganh ghét, đố kỵ, tham lam, ích kỷ khác chẳng còn là vấn đề nữa. Khi người ta có lòng tự trọng, họ sẽ không bao giờ làm việc trái với lương tâm.
Bởi vì họ biết xấu hổ với chính bản thân mình trước khi xấu hổ với người khác. Điều này cũng lý giải vì sao những gian hàng "không người bán", không hè có camera nhưng chẳng hề xảy ra mất trộm. Chính mỗi người Nhật tự thân đã là một cơ quan công quyền của chính mình, lòng tự trọng của họ chính là chế tài xử phạt. Bởi vậy họ không cho phép những hành vi trái đạo đức. Lòng tự trọng bị tổn thương là hình phạt đau đớn nhất đối với họ.
Những đứa trẻ Nhật được dạy về tính tự giác, kỷ luật, trách nhiệm và trung thực ngay từ khi bắt đầu ý thức được mọi việc.
Trông có vẻ đơn giản nhẹ nhàng thế thôi, nhưng ẩn sau những câu chuyện đó chính là cả một niềm tin và sự tử tế trung thực được rèn giũa kì công ngay từ khi con còn bé của các bậc cha mẹ Nhật. Đối với họ thông minh giỏi giang không bằng trung thực nhân hậu. Những đứa trẻ Nhật được dạy về tính tự giác, kỷ luật, trách nhiệm và trung thực ngay từ khi bắt đầu ý thức được mọi việc.
Câu chuyện về văn hóa và giáo dục ở Nhật có lẽ chẳng còn phải bàn cãi gì nữa. Nhưng phải chăng yếu tố luật pháp cũng chiếm một phần không nhỏ góp phần khuyến khích đức tính trung thực này. Theo luật Đồ đạc Thất lạc của Nhật Bản, bất cứ ai nhặt được tiền đều phải đưa đến cảnh sát. Họ sẽ nhận được 5-20% số tiền nhặt được sau khi chủ nhân đến nhận.
Nếu trong vòng 3 tháng không ai đến nhận, người nhặt được quyền sở hữu toàn bộ số tiền đó. Đây cũng là một phương pháp khuyến khích người dân trung thực hơn đáng để chúng ta học hỏi. 5-20% có thể chẳng là gì đối với nhiều người nhưng trong một số trường hợp có thể nó là một động lực thúc đẩy người ta làm việc tử tế.
Những câu chuyện về sự tử tế tại Nhật Bản đã, đang và sẽ mãi khiến người dân thế giới nể phục. Và phải chăng niềm tin, sự trung thực cũng như lòng tự tôn cũng là một yếu tố quan trọng giúp Nhật Bản từ một nước tro tàn đổ nát vươn lên thành cường quốc kinh tế nhất nhì Thế giới trong vòng 50 năm qua?
NGUỒN: HỒNG ANH SPIDERUM, THEO THỜI ĐẠI