Vào những năm 60, nền kinh tế Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, những vùng kinh tế trọng điểm như Kanto (Tokyo), Kansai (Osaka) lúc bấy giờ rất sôi nổi, nhộn nhịp. Những tòa cao ốc mọc lên rất nhiều, ngành thương mại dịch vụ bắt đầu hội nhập nhanh chóng theo xu hướng quốc tế.
Chính vì vậy, lượng khách quốc tế đổ về Nhật Bản ngày càng tăng, gây quá tải ở các sân bay quốc tế Tokyo và Osaka. Đặc biệt là sân bay Osaka lúc bấy giờ nằm rất gần thành phố và cực kỳ đông đúc lại không thể mở rộng diện tích, vì sẽ ảnh hưởng đến dân cư cũng như nhận được rất nhiều phản hồi tiêu cực về tiếng ồn của máy bay.
Để khắc phục vấn đề này, chính phủ đã lên kế hoạch xây dựng một sân bay mới gần Kobe và Osaka, nhằm giảm sự quá tải ở sân bay quốc tế Osaka và giải quyết vấn đề tiếng ồn với người dân sống quanh khu vực đó.
Các nhà hoạch định chính sách đã quyết định xây dựng một cảng hàng không quốc tế trên hòn đảo nhân tạo giữa vịnh Osaka, cách trung tâm thành phố Osaka khoảng 40km.
Một hòn đảo nhân tạo dài 4km và rộng 2,5km được lên kế hoạch xây dựng. Năm 1987, dự án chính thức khởi công, các kỹ sư xây dựng Nhật Bản đưa ra vấn đề cần phải tính toán cực kỳ kỹ lưỡng lúc này là làm thế nào để xây một nền móng vững chắc cho hòn đảo nhân tạo, đồng thời giải quyết việc gây ô nhiễm tiếng ồn cho cư dân sống gần khu vực đó. Ban quản lý dự án đã chọn một vùng nước sâu cách đất liền 5km, tuy nhiên nền đất yếu cộng với việc phải chống chọi được những trận động đất và bão có thể ập tới bất cứ lúc nào, các kỹ sư đã bồi hơn 1,2 triệu giếng cát để làm cứng phần nền dưới đáy biển.
Xây bức tường biển dài 11km được làm từ bê tông với hơn 48.000 trụ chắn sóng, ngăn những cơn sóng có thể cao tới 3m, không cho nước biển tràn vào. Phải đào hơn ba ngọn núi mới có thể đủ đất đá xây dựng nên hòn đảo nhân tạo, công lao của hơn 10.000 lao động làm việc vất vả trong suốt 10 triệu giờ. Theo dự tính của các chuyên gia, mỗi năm hòn đảo có thể sẽ chìm xuống do sức nặng của vật liệu. Để khắc phục vấn đề này, các cột được thiết kế có thể linh hoạt điều chỉnh được độ cao hỗ trợ cho kết cấu của nhà ga. Bằng cách chèn thêm những đĩa kim loại dày vào phần đế cột, để bù lại phần nhà ga bị chìm xuống. Trên cột có gắn cảm biến để giúp cho các kỹ sư có thể tính toán được chiều cao cần bù lại chính xác cho sân bay.
Kế đến, ngoài việc xây hòn đảo nhân tạo, đội ngũ kỹ sư còn xây dựng nên ga sân bay với chiều dài 1,6 km hình cánh máy bay, với vật liệu chính là thép và kính cường lực được thiết kế bởi kiến trúc sư người Ý Renzo Piano. Kết hợp với hệ thống điều hòa cho nhà ga rộng 300.000 mét vuông, đảm bảo nhiệt độ lý tưởng nhất cho hành khách (20 – 26 độ C). Vừa tiết kiệm, bảo vệ môi trường, tăng độ an toàn cho các chuyến bay, một thiết kế tuyệt vời thời điểm đó.
Vấn đề tiếp theo đó mà các kỹ sư phải giải quyết là kết nối sân bay với đất liền một cách hiệu quả nhất. Giải pháp tối ưu được đề ra là xây dựng cây cầu vượt biển, không quá cao gây cản trở máy bay khởi hành, không quá thấp để xây vừa đủ hai tầng, tầng trên cho con đường 6 làn ô tô, tầng dưới vừa đủ cho đường tàu chạy. Sau 6 năm, sân bay quốc tế đầu tiên trên thế giới được xây trên hòn đảo nhân tạo đã hoàn thành. Tổng chi phí ước tính khoảng 20 tỷ USD.
Ngày 4/9/1994, sân bay quốc tế Kansai (tên viết tắt là Kix) khai trương, đưa vào phục vụ cho hành khách cả trong nước lẫn ngoài nước. Phục vụ gần 300.000 lượt khách mỗi tuần, sân bay Kansai có hệ thống kiểm soát hành lý hiện đại nhất thế giới, với hơn 10.000 hành lý đi qua sân bay mỗi ngày. Được tự động hóa ở mức độ cao nhất. Ngày 19/01/2001, sân bay Kansai được vinh danh là 1 trong 10 công trình kiến trúc của thiên niên kỷ do hiệp hội kỹ sư trên toàn thế giới bình chọn.
Trong suốt hơn 25 năm hoạt động, Kansai là một trong những sân bay an toàn nhất thế giới do Hiệp hội hàng không Skytrax bình chọn.
Nguồn: http://kaizen.vn/vuon-uom-nhan-tai/chi-tiet/6191-kansai-sieu-san-bay-20-ty-usd-giua-bien-o-nhat-ban.html