SAC DEP HOA ANH DAO

Học cách người Nhật bảo vệ môi trường sống

Tin tức tổng hợp Cập nhật 06 tháng 10 842 lượt xem

Các giải pháp bảo vệ môi trường được thực hiện quyết liệt của người Nhật, cũng là kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam và nhiều nước châu Á hiện nay.

Trong thập niên 1960, tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nhanh đã làm cho Nhật Bản phải chịu những áp lực lớn từ các vấn đề môi trường, như: Ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất,… Điều đó buộc các nhà quản lý môi trường phải sớm tìm kiếm các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mà vẫn đảm bảo sự phát triển kinh tế – xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân. Nhật Bản đã thực hiện quyết liệt những giải pháp từ các chương trình bảo vệ môi trường khác nhau, cũng phải trả giá từ nhiều nguồn lực để có được những thành tựu phát triển bền vững ngày hôm nay.

nguoi-nhat-bao-ve-moi-truong.jpg

Bảo vệ môi trường: Bài học “nghìn vàng” từ Nhật Bản – Ảnh minh họa.

1.Xây dựng khung pháp lý và chính sách quản lý chặt chẽ

Tốc độ phát triển quá nhanh của các ngành nghề sản xuất công nghiệp đã làm gia tăng những gánh nặng đối với môi trường, dẫn đến môi trường sống bị suy thoái, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và sự phát triển của Nhật Bản. Tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường không khí và nước ngày càng gia tăng.

Trước thực trạng này, Chính phủ Nhật Bản đã phải tiến hành các giải pháp để cải thiện hệ thống pháp luật và thiết lập cơ quan quản lý nhà nước về môi trường nhằm giải quyết cùng lúc 3 vấn đề: Giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường; Giảm được chi phí kiểm soát ô nhiễm và chi phí về sức khỏe của cộng đồng; Giảm giá thành sản xuất và giảm chi phí năng lượng. Đây cũng chính là tư duy mới về quản lý sản xuất, nghĩa là không phải chỉ lo xử lý chất thải ở công đoạn cuối của sản phẩm mà phải tính toán ngay từ đầu làm sao để sản xuất hợp lý nhất, phát thải ít nhất.

Chính từ tư duy là kiểm soát, sản xuất hợp lý, phát thải ít nhất ngay từ đầu vào, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành những quy định pháp luật nghiêm ngặt về tiêu chuẩn phát thải chất thải, kiểm soát ô nhiễm nước, không khí và giám sát ô nhiễm chất độc hại. Đặc biệt coi trọng chính sách giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Từ năm 1993, hệ thống Luật Môi trường cơ bản đã được ban hành, đưa ra Hệ thống kiểm soát ô nhiễm, bao gồm các chính sách và quy định về Hệ thống kiểm soát ô nhiễm không khí, Hệ thống kiểm soát ô nhiễm nước, các vấn đề ô nhiễm đất, các tiêu chuẩn quốc gia về chất độc hại; Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng môi trường; Những biện pháp kiểm tra và kiểm soát nghiêm ngặt môi trường sản xuất công nghiệp; Các quy định về trách nhiệm của cơ sở gây ô nhiễm…

nguoi-nhat-bao-ve-moi-truong-1.jpg

Các thùng phân loại rác có mặt ở hầu hết các nơi trên đường phố Nhật Bản – Ảnh minh họa

Trong Hệ thống kiểm soát ô nhiễm, quy định về kiểm soát ô nhiễm không khí (Luật Kiểm soát ô nhiễm không khí) tập trung vào 3 nội dung chính: Tiêu chuẩn chất lượng môi trường không khí; Các tiêu chuẩn và quy định phát thải; Tổng lượng ô nhiễm ở các thành phố, tiêu chuẩn kiểm soát tổng lượng phát thải, tiêu chuẩn về xây dựng, về đường biên và tiêu chuẩn đối với các nồng độ trong môi trường không khí. Đồng thời, Luật còn đề cập đến những biện pháp ứng phó với các chất ô nhiễm không khí nguy hại, kiểm soát các nguồn lưu động, quy định về các phương tiện vận tải chạy trên đường.

Tiêu chuẩn chất lượng môi trường nước quy định áp dụng đồng bộ cho tất cả mọi nguồn nước công cộng, được chia thành nhiều nhóm tùy theo mục tiêu sử dụng nước ở ao, hồ, sông. Trong đó, ô nhiễm nước có thể được phân thành nhiều loại khác nhau tùy theo ảnh hưởng và cơ chế của ô nhiễm. Nước thải công nghiệp được quy định bởi quy chế kiểm soát nước thải nhằm giảm tải lượng phát thải. Một trong những biện pháp kiểm soát nước thải thông dụng nhất chính là đặt ra quy chế nồng độ phát thải chứa trong nước thải. Các nguồn phát sinh ô nhiễm được phân loại tùy theo việc có xác định được địa điểm phát sinh hay không.

nguoi-nhat-bao-ve-moi-truong-2.jpg

Nhiều nhà máy xử lý rác tại Nhật Bản được xây dựng đẹp như công viên giải trí – Ảnh: The Japan Times

2.Sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng và các tổ chức xã hội

Bên cạnh một hệ thống chính sách kiểm soát ô nhiễm nghiêm ngặt, Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương, cũng như nhân dân Nhật Bản rất nỗ lực trong việc làm sạch môi trường. Tại Nhật, có hàng nghìn tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực môi trường, hàng trăm tờ báo chuyên về môi trường, về xử lý chất thải và bảo tồn đa dạng sinh học. Khắp nơi đâu đâu cũng có các thông điệp về bảo vệ môi trường, tràn ngập trên các dãy phố, trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, tác động vào nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân Nhật Bản về tình yêu đối với môi trường và cuộc sống, vì một màu xanh cho thế hệ mai sau.

Trong thời kỳ đầu của tăng trưởng kinh tế tại Nhật Bản, khu vực tư nhân hầu như không tham gia vào các hoạt động quản lý ô nhiễm và phát triển đô thị. Tuy nhiên, sau một loạt các vụ việc dính líu đến pháp lý cùng với các chính sách hỗ trợ tài chính cho các giải pháp môi trường đã nhanh chóng thay đổi thái độ của doanh nghiệp đối với vấn đề ô nhiễm và quản lý đô thị.

Kết quả là, tổng số tiền đầu tư của khu vực tư nhân vào các cơ sở kiểm soát ô nhiễm tăng lên đáng kể. Họ cũng nhận ra rằng quản lý ô nhiễm môi trường là trách nhiệm xã hội và thực hiện có hiệu quả có thể nâng cao kinh doanh của họ. Các doanh nghiệp đã phát triển các công nghệ và bí quyết về chống ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng.

nguoi-nhat-bao-ve-moi-truong-3.jpg

Dọn vệ sinh lớp học, bài học đặc biệt nhưng có tính giáo dục cao của trẻ em Nhật Bản – Ảnh: The Japan Times

3.Phổ cập giáo dục bảo vệ môi trường

Người Nhật khi đi làm việc thường mang theo một ba lô hoặc túi xách bằng giấy, có cả ngăn chứa rác. Họ còn tỉ mẩn phân loại giấy bỏ, chai nhựa, vỏ lon nước ngọt đã bị đập bẹp vào từng thùng rác khác nhau. Sở dĩ như vậy là nhiều người đi làm cũng kiêm luôn nhiệm vụ mang rác của gia đình đến nơi thu gom theo đúng lịch.

Người Nhật không có thái độ e ngại khi sử dụng lại đồ cũ, hàng tái chế. Họ còn có những cửa hàng chuyên thu mua đồ dùng có thể tái sử dụng. Sau khi trải qua quá trình tẩy rửa, chỉnh sửa, các vật dụng được phục hồi gần như mới và bày bán cho mọi người có nhu cầu. Vật dụng gia đình dạng này rẻ hơn, hấp dẫn số đông khách hàng. Thậm chí, những khi hàng có ít, người mua nhiều, họ còn phải tổ chức bắt thăm lựa chọn khách may mắn được sở hữu món đồ tái chế.

Việc giữ gìn vệ sinh môi trường của người Nhật thể hiện rất rõ việc họ ứng xử ngoài đường phố. Ví dụ, bất cứ công dân Nhật nào đi ra đường cùng chó nuôi đều phải mang theo túi đựng và túi đặc biệt để hốt phân khi chẳng may chúng “bậy” trên đường. Người chủ lúc này phải tự biết giải quyết vệ sinh một cách gọn gàng.

Bạn có thể thoải mái đạp xe trên phố ở Nhật Bản và tận hưởng không khí trong lành ở đường phố Nhật Bản, sẽ chẳng bao giờ phải lo lắng đến việc quên mang theo chiếc khẩu trang để che khói bụi. Đường phố luôn thơm mùi bánh nướng và mật ong. Đi xe buýt hay taxi, bạn cũng sẽ nhìn thấy tài xế đeo găng tay trắng tinh, phong cách rất lịch sự.

Có rất nhiều người Nhật chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển chính trên đường phố, điều này cũng giúp cho không khí ở đây trong lành hơn. Nhật Bản là quốc gia ưa sạch sẽ, đó cũng chính là lí do vì sao dù bạn có đi dọc hết các vỉa hè thì cũng rất hiếm khi nhìn thấy mẩu rác dù rất nhỏ.

Nói đến rác thì ai cũng sợ vì mùi hôi thối khó chịu nhưng tại Nhật, nhà máy xử lý rác thải được quy hoạch và xây dựng đẹp, y như một khu nghỉ dưỡng cao cấp, tấp nập khách tham quan. Thậm chí, nhiều nơi còn thiết kế cả hồ bơi nước nóng để tiết kiệm nhiệt năng sản sinh ra khi thiêu hủy rác.

Vì sao người Nhật lại có ý thức bảo vệ môi trường như vậy? Việc làm này có được do ý thức giáo dục từ nhỏ. Từ khi ngồi trên ghế nhà trường, mọi học sinh đều phải tham gia các trò chơi tập thể và chơi thể thao trong phòng tập, nhà thể chất và mọi công việc mà ai cũng cho là việc dĩ nhiên phải làm đó là thu dọn đồ và lau sàn. Các trường học không hề có nhân viên dọn dẹp, mà học sinh Nhật thường tự quét, lau dọn phòng học, cửa kính, cầu thang… khoảng 30 phút mỗi ngày.

Ý thức quyết định hành động, Nhật Bản chọn cách giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho công dân ngay từ bậc học nhỏ tuổi nhất, nên trong từng hành động của người Nhật luôn luôn thể hiện được tình yêu trách nhiệm với thiên nhiên và môi trường sống.

Thảo Vy (T/h)

Nguồn: moitruong.net.vn