Ngày 06/07/2021
Uchiyama Seichi bắt đầu nhìn nhận lại cuộc đời mình vào năm 2011, sau thảm họa động đất sóng thần khiến hơn 20.000 người chết. Năm năm sau, vợ chồng Uchiyama quyết định rời bỏ Tokyo. Điểm đến của họ là tỉnh Wakayama, nằm cách thủ đô chín tiếng lái xe. Tại đó, gia đình anh định cư trong một akiya, từ chỉ nhà bỏ hoang ở vùng nông thôn.
"Ban đầu, nó hơi giống nhà ma", người đàn ông hơn 40 tuổi cho biết. "Nhưng chúng tôi đã làm lại sàn, sửa mái và biến nó thành một tổ ấm".
Uchiyama không chia sẻ số tiền mua nhà, nhưng tiết lộ đã dành một năm và một triệu yen (khoảng 207 triệu đồng) để cải tạo công trình. Vợ chồng anh còn có một trang trại hữu cơ, quán cafe và nhà cho khách.
Căn nhà ở nông thôn của Uchiyama sau cải tạo. Ảnh: Insider.
Trong khi nhiều quốc gia đối mặt với tình trạng thiếu nhà ở, Nhật Bản gặp vấn đề trái ngược. Khảo sát về Nhà ở và Đất đai năm 2018 cho thấy nước này có tới 8,49 triệu căn nhà bỏ hoang. Những ngôi nhà không thể phá dỡ cũng không có người ở tạo nên những "ngôi làng ma" ở nông thôn Nhật Bản. Ở một số địa phương, tỷ lệ nhà hoang chiếm 1/5 tổng số nhà hiện có.
Theo Chris McMorran, phó giáo sư ngành Nhật Bản học tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), người trẻ Nhật không ở nông thôn vì ít cơ hội nghề nghiệp và một phần nữa là vì chính các akiya. "Chẳng ai muốn sống giữa những ngôi nhà bỏ hoang", McMorran phân tích.
Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh giảm khiến số akiya ngày càng tăng lên. "Vấn đề cốt lõi là không đủ người để lấp đầy những ngôi nhà ấy", phó giáo sư nói tiếp.
Wakayama là địa phương có một sân bay, bốn trường đại học và rất nhiều nhà trống. Dân số tỉnh này liên tục giảm từ năm 1996 đến nay. Thành phố Wakayama, thủ phủ của tỉnh, cũng chỉ có hơn 65.000 dân.
Richard Koo, nhà kinh tế học tại Viện Nghiên cứu Nomura cho biết từ 30 năm trước, cùng với sự phát triển của kinh tế, người Nhật bắt đầu xu hướng bỏ quê ra phố. Theo Tsutsui Kazunobu, giáo sư ngành khu vực học tại Đại học Tottori, năm 1960, mỗi cộng đồng nông thôn ở Nhật có khoảng 39 hộ gia đình. Đến năm 2015, con số này giảm xuống còn 15.
Từ năm 1995 đến 2018, 37 trên 47 tỉnh ở Nhật ghi nhận sự giảm dân số. Báo cáo tháng 3 năm nay của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy trong 37 quốc gia thành viên, Nhật có tỷ lệ nhà ở còn trống cao nhất. Tính trung bình trên toàn nước, tỷ lệ nhà ở còn trống ở Nhật là 14% nhưng nếu chỉ tính khu vực nông thôn, con số này là 16%, thậm chí cao hơn thế ở một số tỉnh, ví dụ Wakayama là 18,8%.
Chuyển về nông thôn, vợ chồng Uchiyama có đủ chỗ mở quán cafe và nhà khách. Ảnh: Insider.
Furukawa Ryuji, trưởng phòng kế hoạch tỉnh Wakayama là người phụ trách kế hoạch thúc đẩy di cư và định cư. Ông cho biết giải pháp giảm giá nhà được đưa ra vào năm 2015 "nhằm giải quyết hàng loạt vấn đề như dân số giảm, tỷ lệ sinh thấp, dân số già và duy trì sức sống của khu vực".
Có những căn akiya giá chỉ 50.000 yen (khoảng 455 USD, tương đương 10,3 triệu đồng). Đến nay, trong khoảng 600 akiya được rao bán, 200 căn đã có chủ mới.
Vợ chồng Tokai Chizuru là một trong những gia đình hưởng lợi từ chính sách giảm giá akiya. Năm 2014, sau ba năm sống ở Osaka, họ muốn một cuộc sống đơn giản hơn nên chuyển tới một ngôi làng cổ thuộc tỉnh Wakayama, cách thành phố gần nhất khoảng ba giờ lái xe.
Đôi vợ chồng mất tám tháng và 1,5 triệu yen để cải tạo nhà, phần lớn tiền dùng vào việc biến những cánh đồng bỏ hoang quanh nhà thành mảnh đất màu mỡ để tự trồng trọt.
"Vào mùa xuân, chúng tôi tự hái chè, đôi khi còn làm thực phẩm chế biến sẵn từ mận trong vườn. Chúng tôi còn nuôi gà nữa", Tokai chia sẻ. "Tôi thực sự tận hưởng cuộc sống yên bình, tĩnh lặng nơi đây".
Vợ chồng Tokai Chizuru chuyển về nông thôn để có cuộc sống yên bình. Ảnh: Insider.
Từ New York về Wakayama, Yamamoto Reiko 39 tuổi từng giật mình khi thấy bầy khỉ hoặc lửng chạy ngang qua đường giữa ban ngày. Người phụ nữ làm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cho biết thêm cơ sở hạ tầng ở vùng nông thôn chưa thể đáp ứng được nhu cầu làm việc. Chồng cô là một kỹ sư phát triển phần mềm phải lên Tokyo để tìm việc.
"Ở nông thôn, việc khó tiếp cận với các tiện nghi cơ bản như bệnh viện và cửa hàng tạp hóa khiến nhiều người khó chịu", McMorran, giáo sư từ NUS nhận định.
Bên cạnh đó, người Nhật thích có nhà mới xây thay vì mua nhà cũ. Theo nhà kinh tế học Koo, ngoài sở thích cá nhân, điều này liên quan đến an toàn. Luật Tiêu chuẩn Xây dựng đầu tiên của Nhật ra đời năm 1950. Từ đó đến nay, nó đã được sửa ít nhất năm lần để nhà ở cứng cáp hơn, đủ sức chống chọi với thiên tai. Như thế, những akiya xây trước khi sửa luật bị cho là mong manh hơn.
Luật sở hữu tư ở Nhật cũng gây khó dễ cho việc sửa chữa, mua bán các akiya. Ông Koo mô tả về cơ bản, akiya là những ngôi nhà ở tình trạng lấp lửng. Chủ sở hữu không bỏ mặc hoặc không còn liên lạc được còn chính phủ không thể can thiệp nên đành mặc kệ.
"Tra cứu chủ nhân thực sự của căn nhà đòi hỏi nhiều nỗ lực nên thường thì chính phủ bỏ cuộc. Những căn akiya cứ ở đó, từ năm này qua năm khác", Koo nói.
Một vấn đề khác khi chuyển về nông thôn là khó hòa nhập bởi nông thôn Nhật Bản là một xã hội khép kín. "Nếu là người lạ từ nơi khác đến, bạn có thể cần hàng năm, thậm chí hàng thập niên để được cộng đồng chấp nhận", Koo phân tích. Chưa kể, cơ hội việc làm ở nông thôn cũng rất ít nên người dân có thể có "thái độ loại trừ".
Để cải thiện tình trạng trên, ngoài việc giảm giá akiya, chính phủ Nhật đang thay đổi luật sở hữu để những người có nhu cầu dễ dàng mua các căn nhà cũ và tiếp quản mảnh đất.
Đại dịch Covid-19 cũng có thể khiến con người thay đổi suy nghĩ. Theo ông Furukawa, phụ trách kế hoạch thúc đẩy di cư và định cư tỉnh Wakayama, mức độ quan tâm tới akiya đã tăng lên trong đại dịch.
"Làm việc từ xa đã phổ biến hơn và kinh doanh nhỏ đang là xu hướng. Sống và làm việc trong các căn akiya có thể đáp ứng các nhu cầu mới", Furukawa đánh giá.
Tuy vậy, với giáo sư McMorran, lấp đầy các căn akiya như một trò chơi tổng bằng 0 và các địa phương sẽ cạnh tranh lẫn nhau để giành lấy người dân.
"Sẽ có một số tỉnh chiến thắng trong cuộc đua phục hồi sức sống. Nhưng cũng sẽ có rất nhiều kẻ thua cuộc nữa", giáo sư McMorran dự đoán.
Nhiều quốc gia châu Âu cũng đang đau đầu với tình trạng nhà bỏ hoang ở các vùng nông thôn và cũng rao bán nhà với giá cực rẻ. Monti Scìaga, một ngôi làng nói tiếng Italy nằm ở biên giới của Thụy Sỹ, từ năm 2019 đã đề xuất bán 9 ngôi nhà với giá một franc Thụy Sĩ (1,01 USD). Chính quyền thành phố St. Louis (bang Missouri, Mỹ) đang bán 500 căn nhà diện tích dưới 140 m2 với giá chỉ một USD.
Hồi tháng 4 năm nay, thị trấn Castiglione di Sicilia của Italy cũng rao bán khoảng một nửa trong số 900 ngôi nhà bị bỏ hoang với giá một euro mỗi căn.
Nguồn: Thu Nguyệt (VnExpress). Theo cafeland.vn
Link: https://cafeland.vn/tin-tuc/dat-nuoc-co-gia-nha-500-usd-mot-can-ma-van-e-100422.html