Ngày 19-03-2008
Cái thời nông dân Nhật chưa có nhà kính, khi mùa đông đến tuyết phủ trắng đồng, lúc những cây trồng khác không mọc được, người ta trồng một loại rau mầu trắng, thân mềm nhưng giòn, gọi là cây U-dô; để chế biến những món ăn thượng hạng: tempura, salad dầu dấm trộn miso hay món canh.
Người ta đào những hố rộng, sâu 3 đến 4 mét, tạo các ngách ngang vuông góc dưới đáy cao chừng một mét, sâu vào lòng đất trồng cây U-dô. Do không có ánh sáng, cây U-dô có thể phát triển dài đến 70 cm trong một tháng như ngồng tỏi và có mầu trắng tinh khiết.
Cho đến nay ở phía tây Tokyo vẫn còn có nhiều gia đình trồng U-dô theo cách này. Người Nhật cũng làm những hầm sâu trong lòng đất làm buồng bảo ôn lý tưởng để ủ men rượu Koji, làm ra thứ rượu Ama sake tuyệt vời nhất.
Ở các thành phố lớn của Nhật Bản, từ những năm đầu của thế kỷ trước, các kiến trúc sư đã sử dụng kỹ thuật tiên tiến để phát triển không gian bằng cách xây dựng theo cả hai chiều lên - xuống. Phía trên là những cao ốc văn phòng, những chung cư cao tầng chọc trời và phía dưới là những hành lang giao thông, những cửa hàng, những đường ngang ngõ tắt ngầm trong lòng đất, nối liền những nhà ga và những cao ốc. Những con đường ngầm này tạo điều kiện sử dụng hữu hiệu nhất những vùng đất vàng trong lòng thành phố, lại còn tạo ra một không gian mới lạ để dân mua sắm, vui chơi giải trí.
Trung tâm bán lẻ ngầm trong lòng đất đầu tiên ở Nhật Bản được khai trương bên dưới nhà ga Ueno ở Tokyo từ tháng 4-1930, là trung tâm bán nhu yếu phẩm, thực phẩm giá hạ.
Ở Osaka vào những năm 1950 và 1960 khi mà nền kinh tế Nhật Bản phát triển thần kỳ, thành phố mọc cao hơn và đâm rễ sâu hơn, đã có một hệ thống những con đường ngầm. Những nhà ga, những hành lang giao thông và những trung tâm mua sắm được xây dựng dưới lòng đất vào những năm cuối thế kỷ trước, để cho Osaka có được một thành phố ngầm lớn nhất Ðông Á, với nhiều siêu thị, nhà hàng san sát, luôn náo nhiệt.
Ðiểm đáng chú ý của một thành phố ngầm là nếu không có chỉ dẫn thì cũng giống như một mê cung. Bảng chỉ dẫn và bản đồ sẽ là thứ cần có cho người đi mua sắm lần đầu.
Tuy nhiên, bầu không khí phức tạp và độc đáo thật sự làm cho việc mua sắm ở đó trở nên thú vị. Các nhà thiết kế đã dùng kỹ thuật mới nhất để tạo ra một khung cảnh tự nhiên cho sinh hoạt, mua sắm, giải trí, nghỉ ngơi dưới lòng đất. Nước, ánh sáng mặt trời, cây xanh được sử dụng nhằm giảm bớt cái cảm giác sinh hoạt trong hầm sâu. Những khu vườn trũng và những đường phố có mái vòm bằng kính để đem lại ánh sáng tự nhiên cho phía dưới mặt đất. Bằng cách tạo ra những kênh dẫn nước được chỉnh rất khéo thành một dòng sông ngầm, thác nước có những vòi phun mô phỏng theo kiểu La Mã và những luống hoa dọc hành lang các lối đi, những kỹ xảo nghệ thuật bắt chước âm thanh tự nhiên, gió nhẹ thoảng hương thơm cũng tạo cảm giác giống như trong công viên.
Một cuộc sống sôi động khác trong lòng đất xứ hoa anh đào là hệ thống các đường và ga tàu điện ngầm. Những ngày làm việc ở Tokyo chúng tôi dùng tàu điện ngầm làm phương tiện di chuyển chính, vì vừa tiện vừa rẻ. Vào giờ cao điểm, cứ 3đến 4 phút lại có một chuyến khởi hành. Nhỡ chuyến này thì đi chuyến tiếp sau cũng không ngại.
Nhà ga Namba ở Osaka Nhật Bản
Tokyo có những 230 nhà ga, trung bình 1,6 km2 có một ga tàu điện ngầm. Có những ga chỉ cách nhau 250 hay 500 mét đường tàu chạy. Do vậy, chúng tôi có thể đáp tàu điện ngầm đến rất gần những nơi muốn đến thật đúng giờ và an toàn. Nghĩ đến cảnh tắc đường của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì đi ngầm dưới đất mà như ở "thiên đàng giao thông".
Ðường tàu điện ngầm đầu tiên của Tokyo ra đời cách đây 80 năm - tháng 12-1927. Từ 2,2 km ngắn ngủi ban đầu từ Ueno đến Asakusa, ngày nay Tokyo có 14 đường tàu điện ngầm với hơn 290 km chiều dài, là hệ thống tàu điện ngầm lớn thứ ba trên thế giới (sau Luân Ðôn và New York), nhưng số lượt người đi tàu điện ngầm hằng năm đứng thứ hai (2,7 tỷ), đứng sau Moscow (3,3 tỷ lượt người).
Trả lời thắc mắc của tôi, vì sao Nhật Bản có thể xây dựng được nhiều công trình ngầm và đường tàu điện ngầm nhanh thế? Anh bạn người Nhật Kurihara được dịp khoe rằng: Thiết bị khoan đào đường hầm của hãng Kawasaki Nhật Bản dùng để đào đường hầm châu Âu nối liền nước Anh và nước Pháp năm 1994, có đường kính 8,78 mét, dài 350 mét, trọng lượng 1.000 tấn, có thể cắt được mọi thứ đất, đá cứng, đào được liên tục 20 km không cần ngừng nghỉ. Máy đào mở rộng đường hầm ở Tokyo có đường kính còn lớn tới 14 mét.
Nhật Bản dẫn đầu lĩnh vực sản xuất máy đào đường hầm cực lớn với kỹ thuật tiên tiến nhất. Nhật Bản hiện cũng là nước sở hữu đường hầm dài nhất thế giới Seikan nối hai đảo lớn Hokkaido và Honshu, dài đến 53,85 km. Khi làm đường hầm này, người ta tiến hành đào từ hai phía, khi ráp nối thông hầm, hai đầu chỉ chênh nhau 19 cm dưới lòng biểu sâu 147 mét.
Một không gian khác ngầm trong đất, có nơi sâu hàng nghìn mét, đó là các hầm mỏ. Các mỏ sau khi đóng cửa cũng được sử dụng rất hiệu quả cho những cơ sở nghiên cứu kỹ thuật cao.
Trung tâm vi trọng lực (JAMIC) ở Hokkaido đã sử dụng đường thông thẳng đứng của một mỏ than cũ chạy thẳng xuống lòng đất, sau 710 mét, để thực hiện các thí nghiệm vi trọng lực, tạo tốc độ rơi tự do nhanh nhất và thời gian trong tình trạng vi trọng lực lâu nhất trên thế giới.
Mỏ đồng ở tỉnh Akita đóng cửa năm 1978 thì được dùng làm công viên giải trí. 800 mét đường hầm bỏ hoang được dùng làm trường bắn súng laser lớn nhất Nhật Bản - Ðó là một thế giới tưởng tượng, nơi du khách có thể lái những chiếc xe điện tử và thi thố tài bắn hạ các sinh vật ngoài hành tinh bằng súng laser, để được tính điểm nhận thưởng. Một phần khác của hầm mỏ này được biến thành một bảo tàng về ngành mỏ - một tài sản văn hóa của địa phương, lúc nào cũng thu hút đông khách đến thăm.
Nước Nhật Bản có nhiều nhà chọc trời, cũng càng ngày càng nhiều những công trình trong lòng đất. Không gian hữu ích được mở rộng cả hai chiều làm cuộc sống con người được thuận lợi hơn, phong phú hơn, hạnh phúc hơn.
Theo Tạ Ðức Minh, nhandan.vn
Link: https://nhandan.vn/ho-so-tu-lieu/Cu%e1%bb%99c-s%e1%bb%91ng-trong-l%c3%b2ng-%c4%91%e1%ba%a5t-%e1%bb%9f-x%e1%bb%a9-hoa-anh-%c4%91%c3%a0o-490049/