Ngày 30/01/2020
VOV.VN - Giữ gìn trong sạch môi trường tự nhiên từ nửa thế kỷ nay với Nhật Bản đã là nhiệm vụ thường xuyên và sống còn, tạo ra một đất nước văn minh bậc nhất.
“Ba năm rồi tôi chưa cần phải rửa xe”, đó là câu chuyện của chính tôi khi nói về môi trường, môi sinh Nhật Bản. Những khoảng trời xanh ngắt, những con phố không hề có rác, không khí trong lành… là ấn tượng của tất cả những người nước ngoài khi đến Nhật Bản.
Từ sau Thế vận hội Olympic năm 1964 được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển thần tốc với tốc độ phát triển hơn 10%/năm trong vòng 18 năm liền sau đó. Sự phát triển này đã nảy sinh vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường không khí và môi trường nước, hủy hoại dần môi trường sống, sức khỏe con người, đặc biệt là quá trình phát triển bền vững của Nhật Bản.
Để giải quyết vấn đề trên, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, thiết lập cơ quan quản lý nhà nước về môi trường tập trung vào 3 vấn đề: Giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường; Giảm được chi phí kiểm soát ô nhiễm và chi phí về sức khỏe của cộng đồng; Giảm giá thành sản xuất và giảm chi phí năng lượng. Đây cũng chính là tư duy mới về quản lý sản xuất, nghĩa là không phải chỉ lo xử lý chất thải ở công đoạn cuối của sản phẩm mà phải tính toán ngay từ đầu làm sao để sản xuất hợp lý nhất, phát thải ít nhất.
Các cháu học sinh đồng diễn múa trống làm bằng giấy tái chế. Ảnh: Bùi Hùng
Từ năm 1993, hệ thống Luật Môi trường cơ bản đã được ban hành, đưa ra Hệ thống kiểm soát ô nhiễm, bao gồm các chính sách và quy định về Hệ thống kiểm soát ô nhiễm không khí, Hệ thống kiểm soát ô nhiễm nước, các vấn đề ô nhiễm đất, các tiêu chuẩn quốc gia về chất độc hại; Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng môi trường; Những biện pháp kiểm tra và kiểm soát nghiêm ngặt môi trường sản xuất công nghiệp; Các quy định về trách nhiệm của cơ sở gây ô nhiễm…
Mỗi giai đoạn phát triển, Nhật Bản đều có những chính sách bảo vệ môi trường cụ thể, phù hợp. Gần đây nhất, ngày 31/5/2019, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định “chiến lược tuần hoàn tài nguyên nhựa” để giảm rác thải nhựa đang làm ô nhiễm môi trường biển và thúc đẩy tái chế rác. Chiến lược này hướng đến việc bắt buộc các cửa hàng bán lẻ không được phục vụ miễn phí mà phải tính phí cho túi nhựa. Nếu người tiêu dùng đi mua hàng mang theo túi sẽ được giảm 2 yên cho một lần mua hàng, ngược lại sẽ bị tính phí túi 2 yên.
Trong sách giáo khoa cấp tiểu học, ngay từ lớp 1 đã có những bài học về các loại rác, phân loại rác, cách thức gom rác và vứt rác. Vào năm học mới, một thứ không thể thiếu đó là khăn lau bụi và sàn lớp (Zoukin). Quy định mua hai chiếc khăn lau dùng trong cả năm học và được treo thường xuyên bên cạnh bàn học của từng cháu và thỉnh thoảng được đem về nhà giặt. Ở lớp, các cháu cứ cuối tuần dưới sự hướng dẫn của thầy, cô giáo sẽ tự lau sàn lớp hay cửa kính. Một năm sẽ có nhiều đợt tổng vệ sinh đó là vào dịp nghỉ Tết, nghỉ hè, hay nghỉ xuân. Mỗi lần đi picnic hay dã ngoại, các cháu học sinh được hướng dẫn mang theo túi để đựng rác của mình như vỏ kẹo, chai nước uống trong trường hợp không có nơi vứt rác. Rất nhiều cháu gom rác trong cả hành trình mang hẳn về nhà để phân loại và vứt rác. Cứ thế trong cả giai đoạn hình thành nhân cách đến lúc trưởng thành, tư duy phân loại rác và vứt rác đúng nơi quy định đã là việc đương nhiên.
Chính vì vậy, người Nhật có thói quen đem theo túi đựng rác dù đi bất cứ đâu. Hơn thế nữa, tại các khu dân cư, đều có lịch thu gom rác theo từng loại. Thường thì có 2 lần trong tuần thu gom rác sinh hoạt (đồ ăn thừa, hộp đựng thức ăn…), 1 ngày thu gom rác tái chế (bìa, giấy, chai lọ, vỏ bia), 1 tháng 1 lần thu gom rác không thể tái chế (thủy tinh, sành, sứ…). Nhân viên thu gom rác có quyền không thu gom những loại rác không phân loại đúng quy định.
Nhật Bản là nước nuôi động vật trong nhà (pet) rất nhiều. Có những gia đình nuôi tới hàng chục con chó. Động vật nuôi đã trở thành người bạn thân thiết. Chính vì vậy, động vật nuôi đi dạo, đi ăn với chủ là việc hàng ngày. Mỗi khi ra ngoài, người nuôi động vật đều trang bị một túi nhỏ có đựng đồ ăn vặt, chai nước, túi bóng, giấy… Khi các chú chó, mèo hồn nhiên “bĩnh” ra đường thì ngay lập tức được chủ của nó lấy túi bóng gom gọn “chiến tích”, nếu “tè” thì được dội ngay bằng chai nước mang theo.
Ngay cả nhiều người Nhật Bản cũng không biết rằng khu Odaiba, Tokyo - nơi đang thu hút khách du lịch trong và ngoài nước trước kia là một bãi tập kết rác khổng lồ. Vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước, với dân số khoảng 35 triệu người chiếm gần 1/3 dân số Nhật Bản, Tokyo một năm thải ra gần 3 triệu tấn rác. Chỉ cách trung tâm Tokyo hơn chục km, Odaiba làm ô nhiễm cả Tokyo. Nhưng Tokyo đã quyết tâm chuyển đổi bãi rác Odaiba thành khu vui chơi, giải trí, mua sắm… với cây cầu hiện đại hình cầu vồng vắt ngang qua biển, với tượng Nữ thần tự do và khách sạn Hilton vươn ra biển lồng lộng gió. Ký ức kinh hoàng bởi không khí ô nhiễm không còn mà chỉ là không gian của bầu trời xanh ngắt và gió biển.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản quyết định bắt đầu từ năm tài chính 2019 hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa tại căng-tin và cửa hàng bên trong khoảng 200 cơ quan nhà nước như văn phòng chính quyền hay trường Đại học công lập.
Đơn vị vận hành căng-tin sẽ được yêu cầu tránh sử dụng đồ đựng thức ăn bằng nhựa dùng một lần. Procter & Gamble Japan, công ty hàng đầu về hàng hóa tiêu dùng ở Nhật Bản đã tái chế rác thải nhựa được thu dọn từ bờ biển để làm chai đựng nước rửa bát. Sản phẩm đã bắt đầu được bán ra vào cuối năm 2019.
Khoảng 6 tấn vỏ chai nhựa được thu nhặt từ các khu vực bờ biển của Nhật Bản được chế biến tại các nhà máy. Rác nhựa được xay nhỏ và kết hợp với các nguyên liệu khác để làm ra 550.000 chiếc chai. Mỗi chai này chứa 25% rác nhựa tái chế. Trong khi đó, các chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Nhật Bản đẩy mạnh cắt giảm rác thải nhựa bằng cách chuyển sang sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường như giấy để làm ống hút và hộp cơm.
Từ đầu tháng 10/2019, hệ thống cửa hàng tiện lợi hàng đầu của Nhật Bản Seven Eleven bắt đầu bán cà phê đá có nắp đậy không kèm ống hút. Khách hàng muốn sử dụng sẽ được cung cấp ống hút bằng giấy hoặc làm từ thực vật. Cũng trong tháng này, các cửa hàng của Lawson bắt đầu dùng hộp giấy để đựng thức ăn không cần hâm nóng trước khi sử dụng. Cửa hàng cho biết sử dụng loại hộp giấy có thể giữ cho nước hoặc dầu trong thức ăn không dễ bị chảy ra ngoài.
Cộng đồng chung tay là yếu tố quan trọng hướng tới môi trường sạch và môi trường sạch cho chính cộng đồng. Giữ gìn môi trường hôm nay cũng chính là cho cuộc sống tươi đẹp của con cháu chúng ta trong tương lai./.
Nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/chuyen-lam-sach-moi-truong-cua-nguoi-nhat-1002941.vov