SAC DEP HOA ANH DAO

Chuyên gia: Cần có cách tiếp cận mới đối với Olympic và Paralympic Tokyo

Tin tức tổng hợp Cập nhật 11 tháng 08 709 lượt xem
Olympic và Paralympic Tokyo 2020 đã hoãn lại 1 năm, nhưng trong bối cảnh đại dịch vi-rút corona vẫn đang hoành hành trên khắp thế giới, ngày càng có nhiều lo ngại rằng hoãn như vậy liệu có đủ xa hay không?

Phóng viên thể thao của NHK World Ishikawa Chiaki đã phỏng vấn chuyên gia quản lý thể thao, Giáo sư Mano Yoshiyuki thuộc Đại học Waseda, về làm cách nào ban tổ chức có thể đảm bảo được việc Thế vận hội sẽ diễn ra vào tháng 7 năm sau.Phóng viên Ishikawa: Ông có cho rằng Thế vận hội có thể được tổ chức theo đúng kế hoạch hay không?
Giáo sư Mano: Tôi thấy một số giải đấu thể thao chuyên nghiệp được nối lại ở Nhật Bản và trên toàn thế giới là dấu hiệu tốt. Giải bóng chày và bóng đá ở Nhật Bản thậm chí đã bắt đầu cho phép khán giả vào sân vận động, mặc dù có giới hạn.

Sẽ không thể nghĩ đến Olympic và Paralympic nếu khán giả vẫn không được đến xem các sự kiện thể thao trong nước. Tuy nhiên, ngay lúc này thì việc tổ chức một sự kiện quốc tế gồm nhiều môn thể thao là không thực tế. Vì vậy, việc chúng ta cần làm ngay bây giờ là dần dần mở lại các giải đấu cấp quốc gia, trong đó có giải thi đấu của học sinh cấp 3 và sinh viên đại học vào mùa Thu này. Từ đó chúng ta có thể vận dụng kinh nghiệm và cách thức đúc kết được để chuẩn bị cho Thế vận hội vào tháng 7 năm sau.

Ông Mano Yoshiyuki, giáo sư tại Đại học Waseda

Phóng viên Ishikawa: Dư luận dường như trái chiều trong vấn đề tổ chức Thế vận hội. Trong một khảo sát của NHK, 35% số người được hỏi cho rằng nên hoãn Thế vận hội xa hơn nữa và 31% cho rằng nên hủy bỏ. Chỉ có 26% nói rằng nên tổ chức Thế vận hội theo đúng kế hoạch.

Phần lớn những người trả lời khảo sát NHK cho rằng nên hoãn tiếp hoặc huỷ bỏ Thế vận hội

Giáo sư Mano: Tôi cũng là thành viên nhóm thực hiện thăm dò ý kiến về Olympic và Paralympic. Chúng tôi đã thực hiện 3 cuộc khảo sát trên toàn quốc, cách nhau 2 tuần. Tỷ lệ câu trả lời tiêu cực tăng dần qua từng cuộc khảo sát. Nhưng gần một nửa số người ở tuổi vị thành niên và ngoài 20 có câu trả lời tích cực. Nhiều người cho biết là họ đang mong chờ được xem thi đấu trực tiếp. Tôi nghĩ chúng ta nên cố gắng tổ chức Thế vận hội vì những người thuộc thế hệ trẻ như vậy.

Phóng viên Ishikawa: Ban tổ chức cho biết đang nghiên cứu cách thức để đơn giản hóa Thế vận hội. Họ cũng phải đảm bảo môi trường an toàn cho các vận động viên và cắt giảm chi phí liên quan đến việc hoãn sự kiện này. Ông có cho rằng ban tổ chức có thể làm được tất cả những điều này?

Giáo sư Mano: Tất cả những điều này có liên quan chặt chẽ với nhau. Tôi nghĩ ban tổ chức phải coi Thế vận hội Tokyo không chỉ là sự kiện diễn ra một lần, mà là trường hợp làm mẫu cho các sự kiện trong tương lai. Họ phải giảm số lượng người tham gia Thế vận hội, bao gồm các tình nguyện viên, nhân viên truyền thông và khán giả. Và ban tổ chức cũng nên xem xét điều chỉnh thời gian tổ chức các sự kiện để tránh tình trạng đông đúc. Họ cần suy nghĩ phương án về cách thức và lối ra vào cụ thể cho các vận động viên cũng như các nhân viên khác. Ban tổ chức cũng nên chú trọng làm sao để mọi người có thể tránh 3 yếu tố là nơi đông người, tiếp xúc gần và không gian kín.

Sẽ rất khó để tránh 3 yếu tố trên trong làng vận động viên, nơi thực sự không giống bất kỳ cuộc thi quốc tế nào. Tinh thần hữu nghị Olympic được vun đắp rất nhiều tại ngôi làng này, nơi các vận động viên cùng sống và giao lưu với nhau, vì vậy ban tổ chức có thể không muốn hủy hoại điều đó bằng cách đặt ra quá nhiều hạn chế.

Phóng viên Ishikawa: Nhiều vận động viên có thể cảm thấy lo lắng về tình hình hiện tại. Nên có những biện pháp nào dành cho họ?

Giáo sư Mano: Hiện nay, vận động viên ở mỗi khu vực lại có tình hình khác nhau. Những người ở Đông Á, Đông Nam Á và châu Đại Dương, ở một mức độ nào đó, đã có thể tiếp tục cuộc sống bình thường. Trong khi đó, những người ở Mỹ và một số vùng ở châu Âu tiếp tục phải đối mặt với điều kiện khó khăn. Những người ở Ấn Độ, Brazil và một số quốc gia châu Phi cũng vậy. Tôi nghĩ rằng sẽ khó để đảm bảo rằng mọi vận động viên đều chuẩn bị giống như nhau cho Thế vận hội. Đồng thời, rõ ràng không ai muốn các vận động viên bị chấn thương do tiếp tục tập luyện và thi đấu khi chưa có sự chuẩn bị đầy đủ.

Đảm bảo môi trường an toàn để họ luyện tập và thi đấu là ưu tiên hàng đầu. Ban tổ chức phải có cách tiếp cận từng bước để đạt được mục tiêu này.

Phóng viên Ishikawa: Cuối cùng, ông nghĩ chúng ta có thể tổ chức Thế vận hội như thế nào?

Giáo sư Mano: Tôi nghĩ điều cốt yếu là ban tổ chức có thể thực hiện được các biện pháp kỹ thuật số nào. Ví dụ, nhận dạng khán giả vào xem thi đấu mà không cần phải tiếp xúc.

Ông Mano cho biết sẽ cần mã QR và các hình thức nhận dạng không tiếp xúc khác tại Thế vận hội

Công nghệ cũng sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn để thực hiện các biện pháp giãn cách và đảm bảo khán giả không tập trung đông lại với nhau.

Chẳng hạn, các sân vận động và nhà thi đấu ở Mỹ có các ứng dụng cho biết lúc nào phòng tắm và khu vực bán hàng không đông đúc.

Công nghệ là một phần thiết yếu của cuộc chiến chống lại đại dịch lần này và tôi nghĩ nó cũng sẽ cho phép chúng ta tổ chức Olympic và Paralympic kỹ thuật số đầu tiên. Tôi cho rằng Thế vận hội sẽ là cơ hội tốt để thiết lập trạng thái bình thường đối với các sự kiện thể thao.