SAC DEP HOA ANH DAO

Chia tay chai nhựa dùng một lần

Tin tức tổng hợp Cập nhật 26 tháng 08 715 lượt xem

Chia tay chai nhựa dùng một lần

Trong thời gian thường trú ở Los Angeles, tôi có thói quen lấy nước máy vào bình của mình để uống. Đi đâu tôi cũng luôn mang theo bình nước, khát lúc nào là uống một hớp. Khi bình hết, có thể dễ dàng lấy nước, vì có rất nhiều vòi nước công cộng ở California, một nơi có ý thức cao về môi trường. Dẫu biết không phải ở đâu cũng giống như vậy, nhưng khi trở lại Tokyo tôi vẫn bị sốc khi thấy sao có ít nơi có thể lấy nước vào bình đến thế. Mọi việc lại càng khó khăn hơn khi vòi nước công cộng ngày càng trở nên hiếm có trong thành phố.

Theo Tokyo Metro, công ty vận hành hệ thống tàu điện ngầm chạy khắp thành phố, vào năm 2015 có 198 vòi nước máy công cộng ở các nhà ga của hãng. Nhưng chỉ 5 năm sau, không còn một vòi nước nào cả. Tuyến tàu điện Yamanote nổi tiếng dừng tại 30 ga ở trung tâm Tokyo không có một vòi nước công cộng nào, sau khi vòi nước cuối cùng còn lại ở ga Tokyo được dỡ bỏ hồi tháng 9 năm ngoái.

Chuyện gì đã xảy ra với vòi nước máy công cộng ở Tokyo? Bóng dáng những chiếc vòi nước biến mất phần lớn là do đồ uống đóng chai gia tăng. Đồ uống đóng chai nhựa đầu tiên được bán ở Nhật Bản vào thập niên 80, kể từ đó nhu cầu tăng vọt. Theo Hiệp hội Xúc tiến Tái chế Chai nhựa, thực tế có tới 25,2 tỷ chai nhựa được tiêu thụ ở Nhật Bản trong năm tài chính 2018. Con số này tăng 6,9% so với năm trước đó, và con số bình quân đầu người lên tới khoảng 200 chai/người. Điều này cho thấy xu hướng ngược lại là việc sử dụng vòi nước máy giảm đi.

Tuy nhiên, hiện nay một số doanh nghiệp đang nỗ lực xúc tiến lắp đặt và khuyến khích sử dụng vòi nước máy trở lại, đặc biệt là trong những năm trở lại đây, mọi người ý thức nhiều hơn về việc sản phẩm nhựa dùng một lần làm tổn hại môi trường.

dBgNXZp0uVeYOCg7ZBvQWjcEsUKddOaCeQEcGBp8

Tháng 9 năm ngoái, 2 doanh nhân Robin Lewis và Mariko McTier cho ra mắt ứng dụng mymizu, kết nối người dùng với các điểm gần nhất có thể lấy nước vào bình của mình. Mới đây, 2 doanh nhân kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào nền tảng này với luận điểm rằng việc này sẽ thu hút khách hàng đến với cửa hàng của doanh nghiệp và nâng cao hình ảnh thương hiệu. Hiện nay, họ đã nhập vào ứng dụng hơn 6.500 vòi nước máy và điểm cấp nước cho mọi người lấy vào bình của mình trên khắp Nhật Bản. Trong đó, có hơn 470 quán cà phê, cửa hiệu, và khách sạn.

Anh Lewis nói: “Giảm sử dụng chai nhựa là việc rất hay. Chúng tôi muốn làm sao để ở Nhật Bản có thêm nhiều người sử dụng nước máy cho bình mang theo người khi hết nước, giống như ở các nơi khác”.

JHNyXNffctIMvqiYLHJEJNsdJQKTTgsFzia0VOyE

Chị Mariko McTier (trái) và anh Robin Lewis (phải)

Vào tháng 7, hãng bán lẻ MUJI của Nhật Bản nổi tiếng với sản phẩm may mặc và trang trí nội thất phong cách tối giản khởi động sáng kiến nhằm giảm rác thải nhựa. Trước đây, mỗi năm công ty bán khoảng 1 triệu chai nước. Công ty cho biết hiện đã dừng bán, thay vào đó sẽ lắp đặt máy nước uống cho mọi người có thể mang bình đến lấy tại hơn 100 cửa hàng của hãng trên cả nước. Bất cứ ai cũng có thể sử dụng, không chỉ riêng người đến mua hàng.

Cô Shimazaki Asako dẫn đầu sáng kiến này nói: “Các nhà sản xuất đồ uống sẽ không dừng bán nước, nhưng chúng tôi sẽ dừng. Chúng tôi hy vọng khách hàng cảm thấy mãn nguyện đã làm được việc gì đó sau khi lấy nước đầy chiếc bình của mình”.

Cô cho biết thêm rằng MUJI dự kiến sẽ lắp đặt tổng cộng 400 máy nước uống như thế này trên cả nước. Dù có dịch vi-rút corona, nhưng dự án vẫn tiếp tục được triển khai, các cửa hàng luôn cẩn thận sát khuẩn máy nhiều lần trong ngày.

QKawqnsRZ8G69da7ANRFZDBB9ff7uJXDoaCsJIkV

MUJI sẽ lắp đặt máy nước miễn phí tại hơn 100 cửa hàng ở Nhật Bản.

Phó Giáo sư Sadao Harada nghiên cứu các vấn đề môi trường tại Đại học Thương mại Osaka nói rằng chính danh tiếng Nhật Bản là “nước công nghệ tiên tiến” khiến Nhật Bản khó có hành động chống rác thải nhựa có ý nghĩa thực sự.

Ông nói: “Nhật Bản nổi tiếng về công nghệ với máy điều hoà tiết kiệm năng lượng và ô tô tiết kiệm xăng. Chúng ta cũng có lò đốt rác có thể thiêu huỷ nhựa, nhưng hầu hết các thành phố không đủ khả năng trang bị vì quá đắt. Đầu tư công nghệ cần thiết để giải quyết vấn đề môi trường là việc tốn kém. Vì thế, mỗi cá nhân phải thực hiện trong khả năng của mình để giảm nhựa, chứ không nên chỉ trông chờ vào hạ tầng kiểu cũ”.

Mới đây, tôi có đến 1 quán cà phê ở Roppongi mà tôi tìm thấy trên ứng dụng mymizu. Tôi đã nhờ anh phục vụ bàn lấy nước vào bình cho tôi. Tôi hơi e ngại, vì nghĩ là ít người làm như thế. Nhưng anh phục vụ bàn vừa rót nước lạnh vào bình cho tôi, vừa nói: “Quý khách là người thứ 3 ạ!”.

Hoá ra, không phải chỉ có mình tôi. Hy vọng, mọi người sẽ lan truyền nhau, việc này sẽ trở thành thói quen thường xuyên. Nhiều năm qua, việc giảm sử dụng chai nhựa là mục tiêu trong tầm tay mà chúng ta chưa thực hiện được. Bây giờ thời điểm đã chín muồi để hành động.

Nguồn: nhk.or.jp