Ngày 23/07/2020
Trong một chuyến đi nhằm mục đích quảng bá du lịch, một người nghệ sĩ đã ghi lại những câu chuyện ấn tượng về đức tính trung thực của người Nhật. Dưới đây là toàn bộ nội dung câu chuyện.
Năm 2009 tôi có dịp đến thăm đất nước Nhật Bản từ Osaka, Nagoya rồi lên Tokyo trong chuyến quảng bá du lịch, có hai chuyện nhỏ xảy ra nhưng bộc lộ khá rõ về cấp văn hóa của người dân gây ấn tượng mạnh với tôi.
Chuyện thứ nhất: Trước hôm kết thúc chuyến đi, đội trưởng đội nhạc của Nhà hát ca múa nhạc Trung ương đi siêu thị định mua cho con chiếc xe đạp. Sau 8 giờ tối anh cùng hai đồng nghiệp xuống tàu điện ngầm. Trời nóng, anh mặc quần soọc, chiếc ví đựng giấy tờ, hộ chiếu cùng tiền dự phòng cho cả đoàn có 4.000 USD cộng với cả đồng yên, tương đương khoảng 150 triệu đồng. Đi qua ba chặng ra khỏi ga, anh sờ vào túi thì cái ví rơi đâu không biết. Không biết mất lúc nào, đội trưởng muốn ngất. Hai đồng nghiệp đi cùng bảo phải báo cho cảnh sát thì anh lắc đầu, làm sao mà thấy, rơi đâu không biết, chẳng phải bị móc túi, tìm làm sao? Nhưng mất hộ chiếu là phiền hà nhất.
Cuối cùng đành đến đồn cảnh sát gần nhất khai báo. Sau khi nhận đủ thông tin, họ bảo ngồi chờ. Bất ngờ là chỉ sau ba tiếng các anh đã nhận lại được chiếc ví, kiểm tra không suy suyển gì. Hỏi thì họ cho biết có một người dân nhặt được đem nộp lại.
Chuyện thứ hai: Trong chuyến đi, có mấy em diễn viên vào cửa hàng mua đồ, trả tiền xong để quên ví trên mặt quầy, hàng giờ sau hớt hải quay lại thì người bán hàng đưa chiếc ví ra, vẫn đủ giấy tờ và nguyên vẹn 300 USD trong đó.
Nghe chuyện đó, một người anh đã đi nhiều nơi bảo tôi, nếu ở châu Âu hay là nước Mỹ thì cũng tiêu thôi, khó mà tìm.
Hai chuyện đó rất nhỏ xảy ra trong chuyến đi khiến tôi ngẫm nghĩ rằng nền giáo dục của họ đã thành công trong việc tạo dựng nhân cách con người, không cầm cái gì khi nó không phải của mình.
Qua câu chuyện nhỏ này, tôi ngẫm nghĩ nhiều về định nghĩa cường quốc. Giàu có chưa đủ cho tiêu chí là một cường quốc nếu trình độ dân trí và ý thức đạo đức công dân chưa được đào luyện, chưa được xác lập.
Nhớ vào giữa những năm 60 thế kỉ trước, có một đoàn ngoại giao sang công du bên Nhật để tìm sự ủng hộ cho công cuộc chống Mỹ, đã đến thăm một thiền sư. Ông ấy đã nhấc bút tặng một thư pháp cho đoàn bốn chữ: “Đức tất hữu lân” (có đức thì tất nhiên có bạn bè). Bức thư pháp ấy sau được in trên tờ Văn nghệ của Hội Nhà văn VN.
Nhìn vào một dân tộc như thế thì thấy chuyện động đất sóng thần như trời sập cũng không thể đè bẹp được họ.
Theo duhocnhatico.edu.vn
Đỗ Đức (Họa sĩ) – Nguồn Thể Thao Văn Hóa
Link: http://duhocnhatico.edu.vn/cau-chuyen-nho-ve-duc-tinh-trung-thuc-cua-nguoi-nhat-ban.html