SAC DEP HOA ANH DAO

Căn hộ 40m2 đẹp như tranh vẽ của cô dâu Việt trên đất Nhật

Tin tức tổng hợp Cập nhật 08 tháng 10 906 lượt xem

Tự tay mua nguyên liệu, đóng kệ, tủ...Hứa Đặng Thanh Trúc biến tổ ấm 40m2 của mình và chồng Nhật thành không gian ngăn nắp, hài hòa, vô cùng lý tưởng để tận hưởng cuộc sống sau ngày dài làm việc mệt mỏi.

Hứa Đặng Thanh Trúc sinh ra và lớn lên tại TP HCM, nhưng lấy chồng Nhật và theo chồng qua xứ sở Phù Tang sinh sống đã được 4 năm. Hai vợ chồng thuê một căn hộ 40m2 trong khu dân cư bình dân, trong đó, phòng khách chỉ vẻn vẹn 5m2 và phòng bếp chưa đầy 3m2. Với khao khát biến căn chung cư cũ thành một chốn đi về lãng mạn, liên tiếp trong 4 năm Trúc đã nhiều lần sắp xếp đồ đạc, đóng mới nội thất, làm thêm vườn trồng rau và trái cây ngoài ban công...Từ một căn hộ cũ, không gian 40m2 của cô dâu Việt trở thành “căn nhà trong mơ” của nhiều người trẻ. Đến giờ, Trúc vẫn nhớ như in những kỷ niệm “để đời” cũng như nhiều tình "huống dở khóc dở cười" trong quá trình sửa nhà.

mot-goc-phong-khach-nha-truc

Một góc phòng khách và bếp.

Đóng mới nội thất từ tái sử dụng đồ cũ

Lần đầu nhận nhà thuê bên Nhật, Trúc khá bất ngờ, vì so với những căn nhà từng ở thuê ở Việt Nam - nhà cho thuê bên này - dù trong khu bình dân - nhưng rất đẹp và sạch sẽ. Giá thuê căn hộ của hai vợ chồng, khoảng 16 -17 triệu tiền Việt. Dù là nhà đi thuê nhưng ước ao có một không gian sống đúng nghĩa cho riêng mình, cô dâu Việt không ngừng cải tạo, liên tục thay đổi cách bài trí trong 4 năm liên tiếp.

goc-dung-dung-cu-may-va

Góc đựng dụng cụ may vá của Trúc. Các giá, kệ đều do cô tự tay đóng.

“Lúc mới sang Nhật, thấy giá cả cái gì cũng đắt đỏ, mình không dám mua hay nhờ chồng mua vật dụng gì để cải tạo nhà, toàn sử dụng lại đồ đạc cũ của anh từ thời sinh viên. Rồi từ từ quen dần với cuộc sống bên này, mình xin đi làm, có thêm thu nhập, quen với giá cả sinh hoạt rồi - mình mới dám chi tiền mua vật dụng để sửa nhà” - Trúc nhớ lại.

cac-gia-ke-gon-gang-nha-truc

Các giá, kệ hay tủ pha chế, bàn, ghế...đều được chủ nhân tự tay mua gỗ, đóng mới.

Vật liệu để cải tạo nhà được Trúc sử dụng nhiều nhất là gỗ, tất nhiên - cô chọn những loại gỗ rẻ - phù hợp với túi tiền của mình. Để có thể phân loại, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, khoa học - cũng như chia không gian ngôi nhà thành các phòng chức năng tách biệt - Trúc tự tay đóng rất nhiều giá, kệ bằng gỗ để lưu trữ đồ đạc. Từ vật dụng đơn giản nhất như bàn ăn, bàn đặt máy khâu, kệ sách, kệ để đồ, kệ bếp...rồi đến nguyên một “quầy pha chế mini”...đều tự tay Trúc mua nguyên vật liệu, mang vác, vận chuyển, dùng máy khoan, cưa, ốc, vít...để hoàn thành. Hiện căn hộ nhỏ của cô chia thành nhiều không gian riêng biệt: bếp, phòng khách, phòng ngủ, phòng làm việc và một khu vườn nhỏ bên ngoài. Trong số đó, công trình khiến Trúc tự hào nhất chính là gian bếp rộng chưa đầy 3m2.

Biến không gian 2.88m2 thành "căn bếp trong mơ"

"Kích thước bếp nhà mình chính xác là 1.6m x 1.8m, trừ tủ kệ các thứ ra thì bề ngang "chiếc sàn catwalk" của mình chỉ còn lại khoảng 7 tấc. Lúc nhận nhà thuê, ngoài những chiếc tủ bắt dính trên tường cao chót vót và hàng tủ dưới chân bếp ra thì không có chiếc kệ nào cả, gây khó khăn rất nhiều cho một người nhỏ con như mình” - Trúc chia sẻ về những ngày đầu nhen nhóm ý định sửa bếp.

truc-trong-can-bep-xinh-dep-cua-minh

Trúc trong căn bếp tự tay cô thiết kế và cải tạo.

"Ban đầu, mình cảm thấy rất bí bách khi phải đứng nấu nướng trong một không gian nhỏ hẹp. Việc luôn tay đóng mở các cánh cửa tủ để lấy thứ mình cần lại càng khiến mình khó chịu hơn. Không thể thay đổi được diện tích bếp nhưng hoàn toàn có thể cải thiện được không gian sử dụng, nghĩ vậy nên mình chấp nhận những gì mình đang có và bắt tay vào việc làm mới bếp” - Trúc cho biết thêm.

khong-gian-bep-nha-truc

Không gian bếp chưa đầy 3m2 của cô dâu Việt.

Qua nhiều lần cải tạo bằng cách đóng thêm giá, kệ, và sắp xếp lại vị trí của dụng cụ bếp sao cho phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng, cô gái biến không gian 2,88m2 trở nên rộng rãi và thoải mái hơn. Dụng cụ nhà bếp được Trúc phân loại theo tính năng và chia không gian hợp lý để sắp xếp. Dao, thìa, đũa, chén, tô ăn cơm...cô xếp vào ngăn tủ kéo đặt dưới kệ bếp và bồn rửa. Lọ gia vị được đặt trên giá gỗ do chủ nhân tự đóng. Khăn lau bếp phân biệt theo màu sắc, được xếp gọn gàng trên giá treo tường. Muỗng, nĩa...để nấu ăn cũng được treo lên giá gắn trên tường, ngay tầm với của người đứng nấu...Thiếu không gian để chế biến, thái, chặt...đồ ăn, Thanh Trúc tự đóng một chiếc bàn gấp để lên trên bồn rửa. Khi cần sử dụng bồn rửa, bàn  sẽ được gấp lên.

dung-cu-lam-bep

Hũ, lọ, bịch đựng thực phẩm, gia vị, cũng như dụng cụ làm bếp - được đóng gói và xếp gọn gàng trong các ngăn tủ.

Cô bật mí rằng, ước mơ thực sự của bản thân là được sở hữu tới 2 - 3 gian bếp, với những thiết kế khác nhau - để có thể sử dụng theo tâm trạng, theo mùa hoặc theo tháng..."Nhưng điều mình không ngờ tới là khi mình ước bếp to thì ông trời lại ban cho căn bếp nhỏ xíu, “khuyến mại” thêm khoan, cưa, đục...buộc mình phải tự xắn tay vào thực hiện ước mơ có một căn bếp nhỏ nhưng tiện dụng. Cho nên mình gọi cái góc 2,88m2 này là “căn bếp theo ý trời” - Trúc vui vẻ nói.

Học cách sống và suy nghĩ đơn giản sau nhiều lần miệt mài cải tạo nhà

Khi chia sẻ kinh nghiệm sắp xếp nhà cửa lên các hội nhóm ở Việt Nam - Trúc nhận được nhiều sự thán phục nhưng cũng không ít lời mỉa mai. Nhiều người nhận xét thẳng thắn “chỉ có điên mới đi trang trí nhà thuê”, khiến cô suy nghĩ khá nhiều. Nhưng cũng sau những lần như vậy, Trúc học được cách thanh lọc suy nghĩ, tâm hồn, song song với đó là thanh lọc bớt đồ đạc trong nhà. Sau nhiều năm cần mẫn dọn dẹp sắp xếp nhà cửa, cô nhận ra, chỉ nên giữ lại những đồ đạc thật cần thiết, hữu ích, nhất là với ngôi nhà có không gian sinh hoạt vô cùng nhỏ hẹp.

truc-thu-hoach-dau-tay

Trúc thu hoạch dâu tây trong khu vườn bé xinh của mình.

“Lúc mới đi làm, có được chút thu nhập, thấy đồ gì xinh xinh mình cũng thích và mua về. Kiểu như mua cho đã con mắt mà không cần biết mình có thực sự cần dùng đến nó hay không. Phần lớn trong số chúng là đồ cũ. Sau rất nhiều lần cải tạo nhà, mình thấy mình hợp với lối sống tối giản nhất. Nên mình từ từ lựa rồi cho đi những món đồ còn sử dụng được. Từ giờ trở đi, mỗi khi quyết định mua món đồ gì, mình sẽ phải cân nhắc xem mình thực sự cần chúng không. Muốn và cần là hai chuyện hoàn toàn khác nhau” - Trúc chia sẻ.

Bài: Loan Nguyen, kilala.vn

Ảnh: Thanh Trúc

Link: https://kilala.vn/phong-cach-song/can-ho-40m2-dep-nhu-tranh-ve-cua-co-dau-viet-tren-dat-nhat.html