SAC DEP HOA ANH DAO

Cải tạo ‘’mê cung’’ Shibuya

Tin tức tổng hợp Cập nhật 09 tháng 10 765 lượt xem

Ngày 16 - 9 - 2021

Giao lộ Shibuya là một trong những giao lộ nổi tiếng nhất trên thế giới, và hình ảnh đám đông di chuyển từ mọi hướng đan vào nhau đã trở thành biểu tượng của khu Shibuya. Tuy nhiên, thiết kế của giao lộ tương đối đơn giản. Ga Shibuya gần đó lại không như vậy. Nơi đây là một mê cung thực sự với các đường đi bộ ngoằn ngoèo và các lối đi dưới lòng đất, phức tạp tới mức ngay cả những người thường xuyên sử dụng ga cũng thấy lúng túng. Các công ty đường sắt đang xây dựng một cấu trúc trên mặt đất để việc đi lại đơn giản hơn.

Cấu trúc mê cung

cau-truc-me-cung

Bản đồ 3D hệ thống dưới lòng đất phức tạp của ga Shibuya.

Ngay cả ở Nhật Bản, đất nước không thiếu những nhà ga rối rắm và lộn xộn, ga Shibuya vẫn là trường hợp hiếm có. Ví dụ, để đổi từ tuyến Ginza sang tuyến Fukutoshin, ta phải tìm đường từ tầng 3, tức tầng cao nhất của ga, xuống tầng hầm 5 dưới lòng đất. Đoạn đường này là một mê cung gồm thang bộ, thang máy và thang cuốn, chứ không có lối đi thẳng.

Lịch sử 100 năm

Ông Tamura Keisuke, kiến trúc sư đồng thời là giáo sư Đại học nữ Showa, cho biết hệ thống phức tạp này là kết quả của địa hình khu vực.

kien-truc-su

Kiến trúc sư Tamura Keisuke nghiên cứu lịch sử ga Shibuya.

Shibuya có địa hình thung lũng và nhà ga được xây ở phần đáy vào năm 1920. Ban đầu điều này không có vấn đề gì vì khi đó chỉ có tuyến JR Yamanote và một tuyến tàu mặt đường chạy qua đây. Tuy nhiên, sau đó các tuyến tàu khác được nối đến Shibuya, gây ra vấn đề lưu thông do quanh ga thiếu đất phẳng.

tuyen-tai-dien-ngam-ginza

Tuyến tàu điện ngầm Ginza chạy qua ga Shibuya năm 1955.

Vào năm 1938, Shibuya được thêm vào tuyến tàu điện ngầm Ginza. Tuyến tàu ngầm này chạy không sâu ở các khu vực khác của Tokyo, nên tàu đi lên trên mặt đất khi tới Shibuya. Vì vậy sân ga phải được xây ở vị trí cao hơn so với nhà ga vốn có.

Vấn đề cấu trúc này trở nên phổ biến khi dân số Tokyo bắt đầu gia tăng vào năm 1975. Nhiều tuyến tàu chạy qua Shibuya hơn, trong đó có tuyến tàu điện ngầm Hanzomon và tuyến Tokyu Den-en-toshi, khiến ga Shibuya thành nơi trung chuyển lớn. Song song với đó, cấu trúc nhà ga cũng ngày càng phức tạp.

Ông Tamura cho biết: "Nguyên nhân của cấu trúc phức tạp này là việc mở rộng và cải tạo tạm thời để giải quyết tình trạng hành khách đi tàu gia tăng. Ga Shibuya ngày nay là kết quả của 100 năm phát triển".

Vào năm 2013, ga Shibuya trở nên phức tạp hơn nữa khi sân ga của tuyến Tokyu Toyoko được chuyển từ tầng 2 xuống tầng hầm 5. Điều này có nghĩa là các lối đi dưới lòng đất có thêm khoảng 400.000 hành khách di chuyển, khiến giờ cao điểm càng hỗn loạn.

Có tới 20 cửa ra từ lối đi ngầm lên mặt đất, và trong năm 2013 các công ty đường sắt nhận được khoảng 400 thư phàn nàn về thiết kế này.

Để giải quyết vấn đề, các công ty đường sắt và chính phủ khởi động một dự án cải tạo vào năm 2019. Bước đầu tiên là làm các cửa ra dễ tìm hơn. Các công ty đường sắt chia nhà ga thành 4 khu vực, đặt tên từ A tới D, mỗi khu có các cửa ra được đánh số. Nhờ việc sắp xếp lại như vậy, vào năm 2020 số thư phàn nàn đã giảm xuống còn khoảng 40.

"Hành lang trên không"

bang-mo-phong-duong-di-bo

Bản mô phỏng đường đi bộ ở toà nhà Shibuya Hikarie.

Tuy nhiên, mục tiêu chính của dự án cải tạo này là xây dựng một cầu đi bộ dài, nhằm đơn giản hoá lối đi trên mặt đất dẫn tới ga Shibuya. Vào ngày 15/7 năm nay, một phần của cái gọi là "hành lang trên không" này đã được cho ra mắt. Cây cầu dài 200m đi qua toà nhà Shibuya Hikarie và song song với Miyamasuzaka, một trong các con phố chính của Shibuya.

hinh-anh-hanh-lang-tren-khong

Hình ảnh "hành lang trên không" kết nối các toà nhà cao tầng ở Shibuya.

Cho tới năm 2027, cầu đi bộ này sẽ được kéo dài tới các toà nhà cao tầng gần đó là Shibuya Scramble Square và Shibuya Mark City. Một khi hoàn thành, "hành lang trên không" sẽ dài 800m và bắc ngang qua vùng thung lũng Shibuya, với các thang máy và thang cuốn giúp việc đi lại dễ dàng hơn.

Bước ngoặt trong lịch sử của Shibuya

co-kurose-tham-gia-cai-tao-duong-ham

Cô Kurose Nozomu thuộc Tập đoàn Tokyu

Cô Kurose Nozomi thuộc công ty đường sắt Tokyu là người tham gia dự án cải tạo. Cô hy vọng "hành lang trên không" sẽ giúp tạo ra hình ảnh mới cho Shibuya.

Cô cho biết: "Cầu đi bộ sẽ kết nối các khu vực hiện đang tách rời nhau và khó đi lại. Giao lộ Shibuya vốn là một điểm du lịch nổi tiếng đối với khách nước ngoài, nhưng cho tới năm 2027, hình ảnh mọi người đi bộ trên 'hành lang trên không' có thể sẽ trở thành biểu tượng mới của Shibuya".

Giáo sư Tamura cũng cho rằng dự án cải tạo này có thể là bước ngoặt đối với lịch sử của Shibuya.

Ông nói: "Shibuya được chắp ghép từ các dự án thiếu tính kế hoạch nhằm ứng phó với quá trình phát triển xã hội nhanh chóng. Đây là lần đầu tiên khu vực nhà ga được thiết kế và phát triển lại với tầm nhìn dài hạn và sự liên kết chặt chẽ. Tôi nghĩ rằng dự án sẽ giúp Shibuya trở thành một khu vực hiện đại hơn".

Việc đưa người đi bộ từ mê cung dưới lòng đất lên "hành lang trên không" có thể thay đổi ngoạn mục một trong những khu vực nổi tiếng nhất Nhật Bản này.

Theo Magata Kentaro, NHK World Correspondent

Link: https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/vi/news/backstories/1757/