Bóng chày Nhật Bản - môn thể thao vua đầy mê hoặc xứ Phù Tang
Bóng chày Nhật Bản được tôn vinh là môn thể thao vua ở đất nước mặt trời mọc. Ngôi sao được tất cả các tầng lớp yêu thích nhất ở đất nước này cũng không phải ca sĩ hay diễn viên mà là huyền thoại bóng chày Nhật Bản Suzuki Ichiro, thần tượng quốc dân của xứ sở hoa anh đào. Có thể nói, không người Nhật nào không biết đến anh. Ichiro được tôn vinh là biểu tượng của tính cách con người Nhật Bản, là đại sứ mang nền văn hóa Nhật Bản đến với nước Mỹ nói riêng và toàn thế giới nói chung.
Sân bóng chày chật kín người hâm mộ đến cổ vũ. Ảnh: Kari Sullivan / Flickr
Ngôi sao bóng chày Nhật Bản Suzuki Ichiro. Ảnh: Kevin French
1.Bóng chày có ma lực gì khiến người dân Nhật Bản phát cuồng đến vậy?
Bóng chày Nhật Bản, được biết đến với tên địa phương là "Yakyuu", nghĩa đen là sân bóng, là một hiện tượng quốc gia ở nước này. Masaoka Shiki, một trong 4 bậc thầy vĩ đại về thơ haiku, đã viết một số bài thơ ca ngợi môn thể thao vua này. Bóng chày còn phổ biến hơn cả môn Sumo, vốn được cả thế giới biết đến.
Bóng chày du nhập vào Nhật Bản năm 1872 bởi một giáo viên dạy tiếng Anh người Mỹ công tác tại Học viện Tokyo Kaisei tên là Horace Wilson. Đó là vào đầu thời đại Meiji (1868-1912), thời kỳ mà việc áp dụng các phong tục và tập quán từ phương Tây rất thịnh hành.
Các cầu thủ trong một trận đấu bóng chày tại Nhật Bản. Ảnh: NYT
Nhưng bóng chày vẫn chưa thực sự phổ biến cho đến khi Thế chiến thứ II kết thúc. Trong thời kỳ Mỹ chiếm đóng Nhật Bản, người Mỹ đã quảng bá mạnh mẽ môn thể thao này đến người dân Nhật Bản. Các huyền thoại bóng chày thời đó như Babe Ruth, Lou Gehrig và Joe DiMaggio đã thành lập một giải đấu bóng chày đặt tên là All-Star và thi đấu với các cầu thủ địa phương.
Thêm nữa, nguồn tài trợ lớn từ các tập đoàn Nhật Bản cho các đội bóng chày chuyên nghiệp trong nước cũng là một lý do thúc đẩy sự phát triển của bộ môn này. Nhiều đội bóng chày Nhật Bản được đặt tên theo tên gọi của một công ty hay tập đoàn chứ không phải là một thành phố hoặc khu vực.
Các cầu thủ bóng chày nữ. Ảnh: Sports Illustrated
2.Điểm thu hút của bóng chày Nhật Bản
Những chuyên gia đã chỉ ra rằng các đặc điểm chính của trò chơi hấp dẫn này là đạo đức làm việc của người Nhật. Bóng chày phụ thuộc rất nhiều vào tinh thần đồng đội, sự kiên trì và kỷ luật, đó là những phẩm chất mà người Nhật tôn sùng.
Lòng trung thành cũng là một đặc tính được đánh giá cao trong môn thể thao này. Các cầu thủ bóng chày Nhật Bản có xu hướng thi đấu cho duy nhất một đội trong suốt sự nghiệp, mặc dù đôi khi có những cầu thủ được mời chơi tại giải nhà nghề của Mỹ, ví dụ như ngôi sao Nhật Bản Ichiro Suzuki, người đang giữ kỷ lục ấn tượng đánh trúng bóng 262 lần trong 1 mùa giải tại Mỹ, và một tân binh tên là Shohei Ohtani hiện đang làm dậy sóng tại Mỹ.
Tân binh Shohei Ohtani đang là ngôi sao sáng trong các giải đấu. Ảnh: SCMP.
Các đội bóng lớn phổ biến nhất ở Nhật Bản là Hanshin Tigers (Osaka), Hiroshima Carps và Yomiuri Giants (Tokyo). Những ai đi du lịch Nhật Bản có dự định đến những thành phố này có thể ghi thêm trải nghiệm văn hóa "xem bóng chày" vào hành trình. Mùa giải bóng chày tại Nhật Bản thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 10.
Cổ động viên của đội Hanshin Tigers trong một trận đấu ở sân vận động Hanshin Koshien. Ảnh: Hanshin.
Một pha thi đấu đẹp mắt của cầu thủ của đội Hiroshima Carps. Ảnh: The Japan Times.
Không chỉ phổ biến ở các giải đấu chuyên nghiệp, giải bóng chày dành cho các trường trung học cũng được yêu thích trên cả nước. Mỗi năm có hơn 50.000 người xem Giải vô địch bóng chày trung học quốc gia trực tiếp tại sân vận động Koshien và hàng triệu người khác xem nó trên truyền hình, khiến nó trở thành sự kiện thể thao được theo dõi nhiều nhất ở nước này.
Hình ảnh tại Giải vô địch bóng chày trung học quốc gia Nhật Bản. Ảnh: Nippon.
3.Sự khác biệt giữa bóng chày Mỹ và bóng chày Nhật Bản
Các trận bóng chày Nhật Bản có thể kết thúc bằng kết quả hòa, trong khi đó luật chơi của Mỹ bắt buộc có một đội chiến thắng có thể chơi hiệp phụ. Vào năm 2016, giải bóng chày nhà nghề Mỹ chứng kiến một trận hòa hiếm hoi trong do trời mưa, trận hòa trước đó được ghi nhận vào năm 2005.
Bóng chày Nhật Bản sử dụng loại bóng nhỏ hơn một chút so với Mỹ. Gậy đánh bóng của Nhật Bản cũng được ghi nhận là nhỏ gọn hơn.
Bóng và gậy đánh bóng của bóng chày Nhật Bản nhỏ hơn ở Mỹ. Ảnh: SCMP.
Sự khiêu khích trong thi đấu không được tán thành ở Nhật Bản, trong khi đó, nó khá phổ biến, thậm chí được mong đợi tại Mỹ. Và việc những cầu thủ cố gắng để bóng đánh ra ngoài biên là chưa từng thấy ở Nhật Bản, bóng chỉ đơn giản được đánh cho người ở gần nhất.
4.Hòa mình vào một trận bóng chày
Vé thường có giá từ 3.000 yên đến 10.000 yên (tương đương 27-90 USD), có thể mua tại sân vận động vào ngày thi đấu (mặc dù có thể hết vé cho các trận cuối tuần và ngày lễ). Mua vé trực tuyến cũng phổ biến, hầu hết các trang bán vé đều bằng tiếng Nhật.
Các trận bóng chày của Nhật Bản được đánh giá rất thu hút, ngay cả những người không theo dõi môn thể thao này cũng sẽ thấy rất hào hứng khi xem.
Người hâm mộ Nhật Bản cuồng nhiệt tới cổ vũ cho một trận đấu bóng chày. Ảnh: CNBC.
Người hâm mộ tại một trận bóng chày tại sân vận động Jingu ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: CNBC.
Ngoài sân cỏ, bóng chày ở Nhật Bản không chỉ là một môn thể thao dành cho khán giả. Mỗi trận đấu đều dành riêng một khu vực rộng lớn dành cho đội cổ vũ. Các đội cổ vũ thường có đồng phục riêng cho các thành viên nam và nữ, có người dẫn dắt đứng đầu với nhiệm vụ chính là khích lệ khán giả cổ vũ cho đội nhà, mang lại sự nồng nhiệt cho trận đấu. Họ thường được tập hợp thành từng đội với trang phục đồng nhất, gợi cảm, tay cầm chùm hoa, nhảy múa theo các vũ điệu đã được tập dượt thành thục hoặc theo các tình tiết phát sinh trong trận thi đấu.
Đội cổ vũ cuồng nhiệt ngoài sân cỏ. Ảnh: Reddit.
Họ mang lại sự sôi động giúp các cầu thủ hào hứng thi đấu. Ảnh: Wikimedia.
Sự vui vẻ với một chút say sưa là một yếu tố khác tạo nên sự náo nhiệt trong những trận đấu bóng chày. Trên khán đài, thường có những người phụ nữ đi bộ qua khắp các hàng ghế với những chiếc thùng nặng trĩu bia lạnh và các loại rượu bán cho khán giả. Khán giả cũng được khuyến khích mang theo đồ uống và thực phẩm, nhưng phải sử dụng cốc do sân vận động cung cấp.
Người phụ nữ phục vụ bia lạnh cho các cổ động viên trên khán đài. Ảnh: Nikkei Asian.
Cách mà môn thể thao Mỹ này tìm thấy chỗ đứng trong trái tim người dân Nhật Bản có lẽ được thể hiện tốt nhất trong bài haiku của danh nhân Masaoka Shiki:
Gió xuân lướt nhẹ
Cánh đồng cỏ khiến tôi
Muốn chơi đuổi bắt.
Nguồn: dulichvietnam.com.vn