SAC DEP HOA ANH DAO

Bí kíp xin được việc tại Nhật Bản của một du học sinh Việt dù không đúng ngành học và cạnh tranh với chính người Nhật

Tin tức tổng hợp Cập nhật 05 tháng 04 630 lượt xem

Ngày 26/12/2018

Xin việc là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời mà bất kỳ sinh viên Nhật nào cũng phải trải qua.

Bí kíp xin được việc tại Nhật Bản của một du học sinh Việt dù không đúng ngành học và cạnh tranh với chính người Nhật

Ảnh minh họa khách sạn Nhật Bản.

Tìm việc tại Nhật vốn đã nằm trong dự định của tôi khi mới sang Nhật nên tôi đã chuẩn bị tâm lý cho việc này khi bắt đầu bước sang năm thứ hai của thạc sỹ. Tôi suy nghĩ về những công việc mình muốn làm, tự tìm hiểu cũng có và cũng có nhờ một số mối quan hệ quen biết để hỏi xem có biết thông tin tuyển dụng nào không? Vừa lo viết luận văn, vừa lo tìm việc, đầu óc như muốn tẩu hoả nhập ma, nhưng đúng là nhìn lại một chặng đường dài, tôi tự thấy rằng mình là người gặp may mắn, hay kiểu nói như các cụ ngày xưa là có quý nhân phù trợ.

Xin việc (就職活動) là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời mà bất kỳ sinh viên Nhật nào cũng phải trải qua. Có thể nói đây là cơ hội có một không hai khi các bạn sinh viên có thể tự do vào thăm bao nhiêu công ty tuỳ thích, có thời gian để ngồi xem xét, đánh giá bản thân, và học cách thể hiện được bản thân mình trong thời gian phỏng vấn nhanh như chớp mắt.

Nội dung xin việc về cơ bản gồm có bốn bước:

Bước một: Đi dự hội thảo, thuyết trình về công ty (説明会) , với mục đích là tham quan, tìm hiểu công ty. Ngoài ra, nếu bạn chưa xác định được công ty mình muốn vào thì có thể tham gia các hội chợ việc làm, trong đó có nhiều công ty cùng tham gia thuyết trình (合同説明会).

Bước 2: Tự phân tích bản thân với mục đích hiểu rõ hơn về chính bản thân mình. Các bạn có thể mua sách hoặc vào các trang web chuyên dụng về vấn đề này để xem cách người Nhật viết phân tích bản thân như thế nào.

Bước 3: Học cách viết CV, cách phỏng vấn.

Bước 4: Phỏng vấn (Thường là sẽ có khoảng hai - ba vòng phỏng vấn tùy từng Công ty).

Phía trên là bốn bước quan trọng để giúp bạn có được Giấy trúng tuyển Tìm việc thực sự là một cơ hội tuyệt vời để bạn chứng minh được bản thân cũng như bản lĩnh của mình.

Tôi gặp khá nhiều may mắn trong học tập cũng như khi đi xin việc, bởi đều được người quen giới thiệu về thông tin. Hồi tốt nghiệp xong, tôi chỉ nghĩ đơn thuần là có được một công việc phù hợp là đủ, còn làm ở đâu không mấy quan trọng. Qua sự giới thiệu của hai người, tôi đi phỏng vấn hai nơi và đều nhận được giấy trúng tuyển.

Công việc đầu tiên là làm ở bộ phận lễ tân cho một khách sạn rất nổi tiếng ở Sasebo. Sau khi qua vòng hồ sơ, tôi được gọi đến để làm một bài thi viết. Bài thi bao gồm nội dung tính toán, tiếng Anh, và tiếng Nhật. Đề thi không quá khó nhưng bị sức ép về mặt thời gian nên tôi không hoàn thành trọn vẹn. Trong phòng thi hôm đó chỉ có khoảng năm đến sáu người nước ngoài, còn lại là người Nhật, nên thực lòng tôi cũng không quá hi vọng. Nhưng hôm sau thì tôi nhận được thông báo đến phỏng vấn.

Bí kíp xin được việc tại Nhật Bản của một du học sinh Việt dù không đúng ngành học và cạnh tranh với chính người Nhật - Ảnh 1.

Câu hỏi của vòng phỏng vấn đầu tiên này khá nhẹ nhàng. Sau phần giới thiệu bản thân thì đến những câu hỏi liên quan đến chuyên ngành học của tôi, rồi vì sao tôi lại muốn thi tuyển vào khách sạn,... 15 phút phỏng vấn kết thúc, tôi bước ra khỏi phòng mà thấy đầu óc nhẹ tênh, thoải mái vì nghĩ mình đã làm khá tốt. Tôi tin rằng mình sẽ vượt qua vòng phỏng vấn lần này. Và đúng như vậy. Tôi được gọi đến vòng phỏng vấn thứ hai cũng là vòng cuối cùng.

Trái hẳn với tâm lý thoải mái ở vòng thứ nhất, các câu hỏi ở vòng hai này mang tính kế hoạch, chiến lược và những dự định mình định đóng góp cho khách sạn với tư cách một là nhân viên chính thức. Và một điểm khác biệt nữa, là nếu như ở vòng thứ nhất, từng ứng viên sẽ được gọi vào phòng phỏng vấn còn lần này thì ba ứng viên một phỏng vấn. 

Tôi ngồi giữa hai người Nhật. Khỏi cần nói các bạn cũng biết tôi áp lực thế nào. Ngay từ người đầu tiên đã khiến tôi giật mình bởi phong thái điềm đạm, dứt khoát và kiến thức về khách sạn rất tốt. Nhưng tôi cố gắng trấn tĩnh bản thân mình bằng cách không để ý quá nhiều đến những câu trả lời của người Nhật đang nói. Đến lượt phỏng vấn của tôi. Tôi vẫn nhớ ba câu hỏi mà bên tuyển dụng khiến tôi ấn tượng và nhớ cho đến tận bây giờ.

PV: Cảm giác của bạn như thế nào khi được gọi đến vòng phỏng vấn cuối cùng này?

Tôi trả lời rất thành thật rằng:

- Tôi thấy vui vì tôi đã cố gắng, đã làm được và nhận được kết quả mà tôi cho là xứng đáng.

PV: Bạn nghĩ bạn sẽ đóng góp, cống hiến được gì cho khách sạn của chúng tôi?

- Bây giờ để nói tôi sẽ cống hiến được gì thì hơi sớm bởi tôi vẫn đang là tờ giấy trắng trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn. Nhưng tôi nghĩ với năng lực ngôn ngữ và sự linh hoạt của mình tôi sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà tôi được giao.

PV: Nếu chúng tôi phải nói lời xin lỗi vì từ chối không tuyển dụng bạn thì bạn có nghĩ rằng nếu có thêm cơ hội nữa, bạn có thể làm tốt không?

Tôi: Tôi nghĩ là không thể tốt hơn đâu, vì tôi luôn cho rằng mọi cơ hội đến với mình chỉ có một lần nên nếu không làm tốt được thì có cho thêm hai ba lần nữa thì vẫn như thế thôi. Nhưng dù sao vào được đến vòng phỏng vấn cuối cùng này, với tôi cũng đã là một thành công.

Bước ra khỏi phòng, dù vẫn còn run nhưng không hiểu sao tôi lại có thể trả lời rắn rỏi như thế. Tôi thật sự thấy hài lòng về phần thể hiện của mình, vì chí ít tôi đã vượt qua được đối thủ lớn nhất là chính bản thân mình. Sau đó vài hôm, tôi nhận được email thông báo chúc mừng trúng tuyển từ phía tuyển dụng. Lòng tôi reo vui hạnh phúc vì con đường trải nghiệm ở Nhật đang mở rộng phía trước mặt. Tôi gửi email cảm ơn và hứa sẽ cố gắng cho công việc sắp tới. Rồi tôi tự thưởng cho mình một buổi đi ăn ngoài và mua sắm một chút đồ. 

(*) Nội dung tham khảo cuốn sách: Nước Nhật đến và yêu- tác giả: Dương Linh.

Nguồn: https://cafebiz.vn/bi-kip-xin-duoc-viec-tai-nhat-ban-cua-mot-du-hoc-sinh-viet-du-khong-dung-nganh-hoc-va-canh-tranh-voi-chinh-nguoi-nhat-20181225140755838.chn

(Dương Linh, cafebiz.vn. Theo Trí Thức Trẻ)